Ngày 5/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thay đổi khuyến nghị và đề nghị giảm một nửa mức tiêu thụ đường cho phép để tránh những nguy cơ cho sức khỏe như chứng béo phì hay sâu răng.
Giảm 1/2 lượng đường tương đương với việc hấp thụ ít hơn 10% năng lượng mỗi ngày, mặc dù 5% trong đó là năng lượng có ích và 5% còn lại là năng lượng dư thừa.
Điều đó có nghĩa là đối với một người trưởng thành có chỉ số phát triển cơ thể (BMI) bình thường, không nên sử dụng quá sáu thìa càphê đường mỗi ngày trong thực phẩm hay sử dụng các sản phẩm có chứa nhiều đường (mật ong, nước ngọt, soda).
Dựa trên nhiều nghiên cứu, WHO cho rằng việc tiêu thụ đường nhiều có liên quan đến hội chứng béo phì và nguy cơ xuất hiện nhiều căn bệnh không lây truyền khác.
Theo thống kê, hội chứng này khiến ít nhất 2,8 triệu người trưởng thành tử vong mỗi năm, chưa kể một tỷ lệ lớn mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư. Ngoài ra, hiện có hơn 40 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân.
Cũng theo WHO, việc ăn nhiều đường còn là nguyên nhân gây sâu răng. Đây cũng là một vấn đề đáng quan ngại bởi ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, chi phí điều trị sâu răng cũng khá tốn kém, chiếm 10% ngân sách chi cho ngành y tế tại các nước công nghiệp./.