Ngày 10/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 10/9 cho biết biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ, hay còn gọi là B.1.617, đã được phân loại ở mức "biến thể đáng quan ngại" cấp độ toàn cầu.
Trả lời phóng viên, Tiến sỹ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết biến thể B.1.617 dường như lây lan nhanh hơn và có thể có khả năng kháng những phương pháp bảo vệ từ các loại vaccine.
Bà Van Kerkhove cho biết: "Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi đang phân loại đây là biến thể gây quan ngại ở cấp độ toàn cầu."
Thông tin trên được đưa ra trong thời điểm các trường học và cửa hàng ở một số khu vực trên toàn châu Âu, đánh dấu thời điểm "Lục địa Già" nới lỏng các biện pháp hạn chế, phong tỏa chống dịch COVID-19 được áp đặt trong suốt vài tháng qua.
[BioNTech khẳng định vaccine Pfizer/BioNTech hiệu quả với các biến thể]
Tại Cộng hòa Séc, phóng viên TTXVN tại Praha dẫn thông báo của Bộ Y tế cho biết nước này tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch, trong đó các cửa hàng bán lẻ trên cả nước bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 10/5.
Tuy nhiên, các quy định về giãn cách xã hội vẫn được duy trì và người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang qui chuẩn trong không gian kín và ở những nơi đông người.
Trong thông báo, Bộ trưởng Y tế Séc Petr Arenberger nhấn mạnh việc nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch phải được tiến hành thận trọng nhằm không để xảy ra làn sóng lây nhiễm mới. Bên cạnh đó, chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trước đó, Chính phủ Séc đã thận trọng dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong đó bãi bỏ lệnh hạn chế đi lại giữa các địa phương và cho phép các cửa hàng bán đồ trẻ em, chợ nông sản, vườn thú, vườn bách thảo, bảo tàng được mở cửa trở lại.
Theo Bộ Y tế Séc, số lượng ca nhiễm mới giảm đều đặn kể từ giữa tháng Ba sau khi tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 được thúc đẩy. Tỷ lệ ca nhiễm hàng tuần đã giảm xuống dưới 100 trường hợp trên 100.000 dân.
Ngày 10/5, nước này ghi nhận 381 ca mắc COVID-19, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020./.