WHO đánh giá nguy cơ đối với con người từ dịch cúm gia cầm

Phát biểu với báo giới, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Sự lây lan của dịch bệnh này trong thời gian gần đây sang động vật có vú cần phải được theo dõi chặt chẽ."
Nhân viên kiểm dịch tiêu hủy vịt nhiễm cúm. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc phát hiện bệnh cúm gia cầm ở một số loài động vật có vú, bao gồm cáo, rái cá, chồn, sư tử biển và thậm chí cả gấu xám Bắc Mỹ, trong thời gian gần đây đang làm dấy lên mối lo ngại rằng con người có thể đối mặt với nhiều nguy cơ hơn.

Ngày 8/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước cảnh giác sau khi phát hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm ở động vật có vú thời gian gần đây.

Phát biểu với báo giới, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Sự lây lan của dịch bệnh này trong thời gian gần đây sang động vật có vú cần phải được theo dõi chặt chẽ." Mặc dù vậy, ông cũng trấn an rằng: "Hiện tại, WHO đánh giá rủi ro đối với con người là thấp."

Ông Tedros cũng cho biết kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, virus H5N1 rất hiếm khi lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, ông cảnh báo điều này có thể thay đổi trong tương lai và con người cần phải có sự chuẩn bị cho mọi tình huống.

Tổng Giám đốc WHO kêu gọi các quốc gia "tăng cường giám sát ở những nơi con người, động vật nuôi hoặc động vật hoang dã có tương tác."

[Ecuador xác nhận ca mắc cúm gia cầm đầu tiên ở người]

Ông cũng khẳng định rằng: “WHO đang nỗ lực hợp tác với các nhà sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine và thuốc kháng virus sẽ có sẵn để sử dụng trên toàn cầu trong trường hợp cần thiết.”

Theo số liệu của WHO, trong 20 năm qua, thế giới ghi nhận 868 trường hợp nhiễm virus H5N1 ở người, trong đó 457 người đã tử vong. Riêng trong năm 2022, có 4 người đã được xác nhận nhiễm virus này, trong đó 1 người tử vong.

Bà Sylvie Briand, Giám đốc của WHO phụ trách phòng chống và chuẩn bị cho đại dịch và dịch bệnh, cho biết: “Việc lây truyền dịch cúm gia cầm từ động vật sang người là rất hiếm và khi virus này xuất hiện ở người, việc lây truyền tiếp theo giữa người với người là không dễ dàng, do virus này không thích nghi tốt với con người."

Tuy nhiên, bà cho rằng vẫn cần cảnh giác để đảm bảo ngăn chặn sự lây lan ở động vật. Virus lưu hành ở động vật càng nhiều đồng nghĩa nguy cơ đối với con người càng cao, vì virus lưu hành ở động vật có thể tiến hóa thành các dạng dễ lây lan hơn.

Trong diễn biến mới nhất, giới chức y tế Cuba cho biết nước này đã ghi nhận những ca nhiễm cúm gia cầm đầu tiên.

Theo Trung tâm Thú y quốc gia Cuba, virus H5N1 được phát hiện trong những con chim hoang dã tại một sở thú ở thủ đô La Habana. Hiện sở thú này đã tạm thời đóng cửa để thực hiện các biện pháp kiểm dịch nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus.

Những người nuôi gia cầm tại Cuba được yêu cầu thông báo ngay cho cơ quan thú y quốc gia khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào của dịch bệnh.

Kể từ cuối năm 2021, châu Âu đã phải đối mặt đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất chưa từng có, trong khi khu vực Bắc và Nam Mỹ cũng trải qua những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.

Dịch cúm gia cầm đã dẫn đến việc tiêu hủy hàng chục triệu con gia cầm trên toàn thế giới, trong đó nhiều gia cầm nhiễm chủng virus H5N1. Sự bùng phát của dịch bệnh này trên toàn cầu cũng là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng chục nghìn con chim hoang dã./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục