WHO đánh giá cao những đổi mới trong hệ thống y tế của Việt Nam

Một trong những đánh giá nổi bật của WHO đối với Việt Nam là Hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế có kết quả xuất sắc.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. (Nguồn: TTXVN)

Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã tham gia phiên họp lần thứ 68 của Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khai mạc tại Geneva, Thụy Sĩ trong ngày 18/5 và dự kiến kéo dài đến ngày 26/5.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cùng với các đại diện của Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Y tế dự phòng ... đã tham dự các hoạt động của đoàn.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết là quốc gia với hơn 90 triệu dân, vừa bước chân vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, song Việt Nam đạt được các chỉ số sức khỏe cao hơn so với một số quốc gia có cùng thu nhập như tuổi thọ bình quân, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em…

Việt Nam đang từng bước tiến tới xây dựng một hệ thống chăm sóc y tế bền vững trong đó phát triển đồng bộ cả y tế chuyên sâu và y tế phổ cập. Mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được đầu tư và phát triển với 100% xã có cơ sở y tế, 60% trạm y tế có bác sỹ. Tuyến y tế thôn bản đều có nhân viên y tế cộng đồng hoạt động. Phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tới 75% cuối năm 2015 và 80% dân năm 2020. Thời gian vừa qua Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách đổi mới hệ thống y tế một cách bền vững mang tính đột phá.

Cụ thể, thứ nhất, Việt Nam đã đổi mới cơ chế tài chính của nền y tế tiến tới đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe: dựa trên đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh theo thị trường ; Nhà nước hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và những người có hoàn cảnh yếu thế... Thực hiện phân bổ ngân sách dựa vào kết quả đầu ra; khuyến khích đầu tư tư nhân, kết hợp công tư (PPP) để đầu tư hạ tầng và trang thiết bị y tế hiện đại; nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, góp phần tăng số lượng và cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Các thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, cấp phép hoạt động y tế đã được cải tiến theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, giảm phiền hà, giảm thời gian chờ đợi, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Thứ hai, từng bước xây dựng hệ thống hạ tầng y tế đồng bộ, đầu tư phát triển một số bệnh viện hiện đại tại tuyến trên kết hợp với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở tuyến cơ sở. Việt Nam sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và vốn vay để tập trung phát triển đồng bộ các cơ sở y tế. Chính phủ đã đầu tư xây mới hơn 800 bệnh viện tuyến huyện và đặc biệt là xây mới 5 bệnh viện hiện đại, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, từng bước đầu tư chuẩn hóa cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là tuyến xã, kết hợp triển khai mô hình bác sỹ gia đình phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, đảm bảo mọi người dân đều tiếp cận dễ dàng với dịch vụ y tế có chất lượng và phòng chống hiệu quả dịch bệnh mới nổi và các bệnh không lây nhiễm dựa vào y tế cơ sở.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực y tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Việt Nam đã tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực y tế về số lượng, thực hiện luân phiên cán bộ y tế từ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới.

Hiện nay đã đạt được mức 7,5 bác sỹ/1 vạn dân. Song song với tăng số lượng bác sỹ, Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng bác sỹ và các đối tượng nhân lực y tế khác. Triển khai mạng lưới nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản tại tuyến cơ sở, đặc biệt ở vùng núi cao. Khuyến khích phát triển y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Thực hiện chuyển giao khoa học, kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới nhằm giảm tải cho tuyến trên và giảm chi phí của người bệnh.Việt nam đã thực hiện các kỹ thuật cao như ghép tạng, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh hiểm nghèo, phẫu thuật nội soi robot… đã tự sản xuất 12 vắcxin cho chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết một trong những đánh giá nổi bật của WHO đối với Việt Nam là Hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế có kết quả xuất sắc. Với việc công nhận kết quả này, các sản phẩm vắc xin, sinh phẩm của Việt Nam không chỉ được sử dụng tại Việt Nam mà sẽ có mặt trên thị trường thế giới. Kết quả này thể hiện nỗ lực rất lớn vì cho đến nay không có nhiều nước, kể cả những nước phát triển trên thế giới, có thể vượt qua được sự đánh giá này ngay từ lần đầu như Việt Nam.

Hiện có khoảng 22 quốc gia đạt tiêu chuẩn đối với các sản phẩm vắc xin và sinh phẩm. Bộ tiêu chuẩn để đánh giá hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin tại Việt Nam được áp dụng cho tất cả các nước trên thế giới bao gồm cả những quốc gia có nền công nghiệp sản xuất vắcxin phát triển nhất như: Canada, Mỹ, Pháp, Bỉ…

Việc Việt Nam đạt chuẩn này sẽ không chỉ đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong nước về chất lượng vắc xin mà còn khẳng định vắc xin của Việt Nam đủ điều kiện để xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương cũng đánh giá Việt Nam đạt được tiến bộ vượt bậc trong chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng với tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, bên cạnh việc Việt Nam tham gia hệ thống an ninh y tế toàn cầu. Bộ Y tế đã phối hợp với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ chính thức khởi động Dự án "Tăng cường năng lực thực hiện An ninh Y tế toàn cầu tại Việt Nam."

Dự án thể hiện cam kết với Chương trình An ninh y tế toàn cầu và đảm bảo năng lực thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục