WHO công nhận Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý vắcxin

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá và công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA) của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.
WHO công nhận Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý vắcxin ảnh 1Việc sản xuất vắcxin của Việt Nam hiện chủ yếu phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng hàng năm. (Ảnh: TTXVN)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá và công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin (NRA) của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, các vắcxin sản xuất tại Việt Nam có đủ điều kiện để tiền thẩm định trước khi xuất khẩu.

Đây được coi là bước tiến quan trọng của Bộ Y tế Việt Nam, mở ra cánh cửa xuất khẩu vắcxin “made in Việt Nam” ra thế giới, góp phần cung cấp vắcxin phòng, chống dịch bệnh cho khu vực và cho toàn cầu.

Việt Nam là nước thứ 39 được nhận tiêu chuẩn này trong số khoảng 44 nước có sản xuất vắcxin trên thế thới.

Thông tin này được Bộ Y tế công bố tại buổi họp báo sáng nay, ngày 19/6, tại Hà Nội.

Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, khi xuất khẩu vắcxin phải có hai tiêu chí là có nhà máy sản xuất vắcxin và có hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn. 

Việt Nam đã có nhà máy sản xuất vắcxin nhưng bây giờ mới đạt tiêu chuẩn thứ hai là hệ thống quản lý nhà nước đạt tiêu chuẩn. Chứng nhận này của WHO giao cho cơ quan quản lý nhà nước về quản lý vắcxin, độc lập với việc sản xuất vắcxin. 

Khi đạt được tiêu chuẩn này đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý nhà nước đã đủ khả năng giám sát, đánh giá chất lượng vắcxin được sản xuất, đảm bảo chất lượng vắcxin. Vì thế, người dân và cộng đồng quốc tế có thể yên tâm sử dụng vắcxin sản xuất tại Việt Nam.

“Đây là cơ hội cho Việt Nam có thể xuất khẩu vắcxin,” ông Cường nói.

Hiện Việt Nam đã có thể sản xuất được nhiều loại như vắcxin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, sởi, lao, bại liệt… Tuy nhiên, các cơ sở này đều đang sản xuất dưới 50% công suất do chỉ phục vụ nhu cầu tiêm chủng mở rộng trong nước hàng năm, khoảng 1,7 triệu trẻ em.

Với việc Hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam có thể mở rộng thị trường vắcxin ra quốc tế, trước hết là các nước trong khu vực Đông Nam Á như Hàn Quốc, Philippines… Các loại vắcxin của Việt Nam có thể xuất khẩu ngay như vắcxin viêm gan B, viêm gan C, vắcxin đa giá sởi-quai bị-rubelle. 

Ông Cường cho biết Việt Nam cũng đang tích cực nghiên cứu sản xuất vắcxin đa giá phòng ngừa 5, 6 loại bệnh và kết quả bước đầu rất khả quan.

Hướng tới việc xuất khẩu vắcxin, ông Cường cho biết Bộ Y tế sẽ quy hoạch lại các cơ sở sản xuất vắcxin trong nước. Mỗi công ty sẽ sản xuất chuyên môn hóa một hoặc một số loại vắcxin để tránh chồng chéo, dẫm chân nhau, đồng thời nâng cao nhất hiệu quả và chất lượng vắcxin.

Về giá sản phẩm, ông Cường cho biết hiện việc sản xuất vắcxin ở Việt Nam chủ yếu phục vụ tiêm chủng mở rộng, theo đơn đặt hàng của nhà nước nên giá không có tính thị trường. Giá vắcxin rất rẻ, chỉ bằng 30% giá vắcxin cùng loại của các nước khác và chỉ đủ bù lại chi phí sản xuất mà không có tích lũy và tái đầu tư. Tuy nhiên, hiện Chính phủ cũng đang xem xét việc cho vay ưu đãi lãi suất thấp, hỗ trợ đầu tư công nghệ trong sản xuất vắcxin đồng thời nâng giá vắcxin bằng 50-60% giá vắcxin nhập khẩu. 

Theo Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, để đạt được thành tựu này, Việt Nam đã chuẩn bị từ năm 2001, và bắt đầu tăng tốc cách đây gần 2 năm.

Hơn một năm qua, Bộ Y tế đã mời 30 chuyên gia của WHO và các tổ chức quốc tế đến Việt Nam hỗ trợ cho việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vắcxin để đạt tiêu chuẩn quan trọng này. 

Để đảm bảo các sản phẩm vắcxin có chất lượng và an toàn, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các nội dung theo bộ công cụ tiêu chuẩn đánh giá năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vắcxin của Tổ chức Y tế thế giới. 

Các tiêu chí trong bộ công cụ nhằm hướng dẫn các quốc gia tự đánh giá về việc thực hiện các chức năng quản lý để hướng tới mục tiêu cao nhất là vắcxin sản xuất ra đảm bảo an toàn, chất lượng theo tiêu chuẩn thống nhất của quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục