WHO cảnh báo xu hướng bệnh sởi gia tăng trên toàn thế giới

Số ca mắc bệnh sởi trên thế giới trong năm 2017 đã tăng hơn 30% so với năm 2016, trong đó đáng lưu ý là tình trạng gia tăng các trường hợp mắc bệnh tại những nước phát triển ở châu Âu.
Một bệnh nhi mắc sởi, phát ban ở chân. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Số ca mắc bệnh sởi trên thế giới trong năm 2017 đã tăng hơn 30% so với năm 2016, trong đó đáng lưu ý là tình trạng gia tăng các trường hợp mắc bệnh tại những nước phát triển ở châu Âu, kể cả ở Đức là nước có tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra số liệu trên trong một thông báo ngày 30/11, theo đó cho biết các ca sởi tăng trở lại là xu hướng đáng lo ngại và là hiện tượng gần như toàn cầu. Trong 12 tháng qua, bệnh sởi xuất hiện trở lại nhiều nước, trong đó đáng chú ý là Đức, Nga và Venezuela.

WHO giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này khác nhau giữa các khu vực. Tại châu Âu, thực trạng này được cho là một phần do tâm lý chủ quan và thông tin sai về vắcxin, theo đó một làn sóng "chống vắcxin" phát tán thông tin trên mạng xã hội cho rằng một loại vắcxin phòng sởi liên quan đến chứng tự kỷ ở trẻ.

Giám đốc WHO về Các vấn đề miễn dịch, vắcxin và sinh học Martin Friede nhấn mạnh “những người tự cho mình là chuyên gia đổ lỗi cho vắcxin mà không có bằng chứng cụ thể," gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh.

[Hà Nội: Số ca mắc sởi và chân tay miệng tăng cao so với cùng kỳ 2017]

Trong khi đó, tại Mỹ Latinh, các ca sởi tăng cao một phần do hệ thống y tế hoạt động kém hiệu quả tại Venezuela. Nhiều bệnh viện tại Venezuela đang chật vật duy trì hoạt động trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế tại nước này dẫn đến lạm phát tăng cao.

Bên cạnh đó, WHO ghi nhận cuộc chiến phòng chống bệnh sởi trên toàn cầu đạt được những kết quả ấn tượng trong thế kỷ này. Năm 2017, số ca sởi trên thế giới là 173.000 ca, thấp hơn so với con số hơn 850.000 ca năm 2000. WHO cho rằng tiến bộ đạt được là nhờ chương trình tiêm chủng hiệu quả và an toàn.

Theo WHO, tỷ lệ sử dụng vắcxin liều đầu tiên cần đạt 95% để ngăn dịch sởi bùng phát. Trên thế giới, tỷ lệ này mới dừng lại ở mức 85% trong những năm qua. Ở những khu vực kém phát triển như châu Phi tỷ lệ chỉ ở mức 70% trong năm 2017.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có thể dẫn đến tiêu chảy, viêm phổi, mất thị lực và trong một số trường hợp có thể tử vong. Bệnh lây qua đường hô hấp do các chất dịch từ mũi, họng có chứa vi rút sởi bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân nói chuyện, ho, hắt hơi...

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, tất cả những trẻ chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm vắcxin phòng sởi đều có thể mắc bệnh này. Sởi có khả năng lây lan rất cao (90%) đối với những người chưa có miễn dịch (chưa tiêm vắcxin, chưa từng mắc bệnh sởi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục