WHO cảnh báo về hành trình gian nan trong cuộc chiến chống COVID-19

Một số nước thực sự đang phải chứng kiến tốc độ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 nhanh đáng sợ, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ, những khu vực hiện có số ca nhiễm, nhập viện và điều trị tăng chóng mặt.
WHO cảnh báo về hành trình gian nan trong cuộc chiến chống COVID-19 ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. (Nguồn: IRNA/TTXVN)

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo sáu tháng tới sẽ là một "chặng đường hết sức gian nan và vất vả" trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới, trước khi các loại vắcxin có thể phát huy tác dụng và đảo ngược tình hình.

Phát biểu tại một sự kiện của WHO được truyền phát trực tiếp, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về COVID-19 của WHO, cho biết tại nhiều nước, tình hình rất đáng lo ngại, thậm chí đang trở nên tồi tệ hơn.

Theo bà, một số quốc gia thực sự đang phải chứng kiến tốc độ lây nhiễm dịch bệnh nhanh đáng sợ, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ, những khu vực hiện có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh, nhập viện và điều trị tích cực tăng chóng mặt.

Bà Van Kerkhove nhận định số ca mắc COVID-19 sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong tháng này, đặc biệt sau kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới. Bà nói: "Chúng ta đang chứng kiến điều này và sẽ tiếp tục chứng kiến trong vài tuần tới. Tại một số nước, thậm chí chúng ta phải chứng kiến những tình hình xấu đi trước khi có thể sáng sủa hơn."

[Anh ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất, bệnh viện Mỹ quá tải]

Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho rằng đã có rất nhiều kỳ vọng khi một số vắcxin ngừa COVID-19 bắt đầu được tiêm tại một số nước từ tháng trước. Tuy nhiên, WHO cảnh báo người dân không nên "thở phào" hay mất cảnh giác trước tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Ông nói: “Tất cả chúng ta đã vật lộn suốt một năm. Đó là một trận chiến thực sự và lâu dài. Có thể chúng ta sẽ phải đi qua chặng đường 4-6 tháng gian nan, vất vả phía trước nữa. Nhưng chúng ta có thể làm được."

Đối với những biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh và Nam Phi, có tốc độ lây nhiễm mạnh hơn, nhưng không làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh, giới chuyên gia cho rằng đây không phải là thảm họa và không có nghĩa là dịch sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. Theo họ, các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sẽ vẫn phát huy hiệu quả.

Quan chức WHO Ryan khẳng định cho đến nay hoàn toàn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các loại vắcxin được bào chế thành công ngừa COVID-19 sẽ không hiệu quả đối với các biến thể mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục