WHO cảnh báo về gánh nặng chi phí y tế đối với người nghèo

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế là điều cần thiết để nâng cao chất lượng sức khỏe toàn cầu, cũng như đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.
WHO cảnh báo về gánh nặng chi phí y tế đối với người nghèo ảnh 1Kiểm tra sức khỏe cho người tị nạn Yemen tại Abs, Hajjah, Yemen, ngày 30/6/2018. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mỗi năm, thế giới có khoảng 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo khó do các khoản phí chăm sóc sức khỏe, mặc dù chính phủ đã hỗ trợ trung bình 51% phí tổn.

Trong báo cáo công bố ngày 20/2 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về gánh nặng chi phí y tế của người dân trên thế giới, khoản chi phí này gia tăng với tốc độ tăng nhanh nhất so với các chi phí khác của nền kinh tế thế giới, chiếm 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Xu hướng tăng đáng chú ý được ghi nhận tại các nước có mức thu nhập trung bình và thấp với mức tăng 6%/năm, cao hơn mức 4% được ghi nhận tại các nước có thu nhập cao. Với tỷ lệ tự chi trả cho chi phí y tế lên tới 35% ở mỗi nước, WHO xác định mỗi năm trên thế giới có khoảng 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo khó.

Đây là hệ quả của xu hướng được ghi nhận hiện nay, đó là trong khi công quỹ y tế nội địa tại các nước thu nhập trung bình và thấp, tăng lên, các quỹ viện trợ nước ngoài cho chi phí y tế tại các nước thu nhập trung bình lại giảm.

[Châu Âu tốn hơn 60 tỷ euro chi phí y tế vì ô nhiễm khí thải ôtô]

Cụ thể, ở các nước có thu nhập trung bình, khoản hỗ trợ chi phí y tế của chính phủ tính theo đầu người đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000. Trung bình, ở các nước có mức thu nhập dưới trung bình, chính phủ hỗ trợ chi phí y tế 60 USD/người. Mức này đối với các nước thu nhập trên trung bình là 270 USD/người.

Khi khoản hỗ trợ viện phí của chính phủ tăng lên, số người có nguy cơ rơi vào diện nghèo đói do bệnh tật giảm đi. Tuy nhiên, các khoản hỗ trợ này chỉ giúp giảm sự mất cân bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế khi chúng được phân chia đồng đều theo đúng kế hoạch nhằm đảm bảo mọi người dân đều được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản.

Các số liệu mới cho thấy tại các nước thu nhập trung bình và thấp, hơn một nửa chi phí y tế được đóng góp cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, nhưng trong đó, khoản hỗ trợ của chính phủ chỉ chiếm 40%.

Theo WHO, nguồn thanh toán chi phí y tế bao gồm khoản hỗ trợ của chính phủ, khoản tự chi, bảo hiểm sức khỏe tự nguyện, các chương trình phúc lợi của chủ doanh nghiệp và hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ.

Thông qua báo cáo trên, WHO khẳng định vai trò quan trọng của của quỹ viện trợ nước ngoài, cũng như chỉ rõ cách thức các nhà lập pháp, chuyên gia y tế và người dân có thể tiếp tục nhằm tăng cường hệ thống y tế, đồng thời kêu gọi các nước thành viên của WHO ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: "Tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế là điều cần thiết để nâng cao chất lượng sức khỏe toàn cầu, cũng như đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững về sức khỏe (SDG). Ông nhấn mạnh chú trọng tới nguồn tài chính cho y tế giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm thiểu những tác động đến thị trường việc làm, tăng năng suất lao động để hướng đến một xã hội khỏe mạnh, an toàn và công bằng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục