Ngày 9/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, nhiều nước châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng các điều kiện và cơ sở y tế cần thiết (nhân viên y tế, giường bệnh, máy thở...) để đối phó với đại dịch COVID-19 đang lây lan nhanh trên khắp châu lục.
Phóng viên TTXVN tại khu vực Bắc Phi dẫn thống kê của WHO tại 43 quốc gia châu Phi cho thấy, các bệnh viện chưa có tới 5.000 giường bệnh tại khoa chăm sóc đặc biệt.
Điều này có nghĩa là chỉ có khoảng 5 giường bệnh/1 triệu người ở các nước kể trên, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 4.000 giường bệnh/1 triệu người ở các nước châu Âu.
Các trường hợp bệnh nặng cần phải được chuyển đến khu vực chăm sóc đặc biệt, nơi được trang bị máy thở để hỗ trợ bệnh nhân.
Tuy nhiên theo số liệu của WHO tại 41 quốc gia châu Phi, chỉ có khoảng 2.000 máy thở sẵn sàng phục vụ trong hệ thống y tế cộng đồng.
Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti nhận định, việc thiếu hụt trang thiết bị cần thiết trong các cơ sở điều trị COVID-19 sẽ cản trở nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh tại châu lục này.
WHO cũng cảnh báo dịch COVID-19 đang lan nhanh từ các thành phố lớn sang các vùng nông thôn - nơi có sự hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Bà Moeti khẳng định điều này sẽ gây ra những thách thức lớn và hậu quả tồi tệ hơn đối với các nước châu Phi thời gian tới.
Tính đến ngày 9/4, các nước châu Phi đã ghi nhận khoảng 11.500 trường hợp mắc bệnh COVID-19 với hơn 570 người tử vong. Tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 tại châu Phi hiện nay được cho là ít hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Chính phủ nhiều nước châu Phi đã có các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như nghiêm cấm tụ họp đông người, ngừng khai thác các chuyến bay chở khách, ban bố lệnh giới nghiêm tại một số thành phố lớn...
Ngoài châu Phi, WHO cũng cho rằng hầu hết các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh, ngoại trừ Chile và Brazil, đều đứng trước thực trạng thiếu thốn nghiêm trọng về lực lượng y tá để đối phó với dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, trong một báo cáo mới đây, WHO lưu ý tại các quốc gia như Honduras và Venezuela, mật độ y tá và điều dưỡng chỉ ở mức dưới 10 người/10.000 dân, trong khi tại Bolivia và Colombia con số này là từ 10 đến 19 người.
Tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực như Mexico, Ecuador, Peru, Argentina hay Paraguay, tỷ lệ cũng chỉ ở mức khiêm tốn với 20-29 y tá/10.000 người. Chỉ riêng tại Chile và Brazil, con số đã khả quan hơn với 100 y tá/10.000 người dân.
Theo các số liệu WHO đưa ra trong báo cáo này, ở cấp độ toàn cầu, trong tổng số 27,9 triệu nhân viên điều dưỡng của ngành y chỉ có 19,3 triệu người là y tá chuyên ngành.
Đáng chú ý, có tới hơn 80% trong số các y tá chuyên nghiệp tập trung tại những nước có tổng số dân chiếm 1/2 dân số thế giới, trong đó cứ 8 người thì có 1 người hành nghề tại đất nước không phải là nơi họ sinh ra hay được đào tạo. WHO kêu gọi các quốc gia thiếu hụt y tá cần tăng lượng sinh viên tốt nghiệp trong ngành điều dưỡng lên 8% mỗi năm.
Tổ chức này cũng đưa ra đề xuất thúc đẩy đầu tư trong vấn đề đào tạo, việc làm và lãnh đạo để tăng cường lực lượng y tá - những người được xem là tuyến đầu trong các cuộc chiến chống lại các trận đại dịch đe dọa sức khỏe của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, WHO cũng lưu ý rằng có tới 90% các chuyên gia điều dưỡng là phụ nữ, song rất ít người được đảm nhiệm các vị trí quản lý trong ngành y tế./.