Ngày 8/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh châu Phi vừa trải qua tuần tàn khốc của đại dịch COVID-19, song cảnh báo đây chưa phải là tình hình tồi tệ nhất, trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 3 đang lan rộng tại châu lục này.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi, Giáo sư Matshidiso Moeti, nêu rõ tình hình dịch bệnh tại châu Phi đang diễn biến phức tạp hơn, theo đó cứ 18 ngày số ca mắc mới tăng gấp đôi, so với 21 ngày chỉ một tuần trước đây, và sự gia tăng này sẽ tiếp diễn trong nhiều tuần tới.
Làn sóng dịch thứ 3 bùng phát tại châu Phi từ hồi đầu tháng 5 vừa qua, với số ca mắc mới tăng mạnh.
Trong tuần kết thúc vào ngày 4/7, châu Phi đã ghi nhận 251.000 ca mắc mới, tăng 20% so với tuần trước đó và tăng 12% so với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 1/2021.
Hiện tại 16 quốc gia ở châu Phi đang chứng kiến số ca mắc mới tăng, trong đó 10 quốc gia ghi nhận sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao kỷ lục 26.000 ca vào cuối tuần trước.
Trong khi đó, tiến độ tiêm chủng ngừa COVID-19 tại châu Phi vẫn chậm. Chỉ khoảng 16 triệu người, tương đương 2% dân số châu Phi, đã được tiêm vaccine đủ liều.
Tuy nhiên, bà Moeti hy vọng các nước châu Phi sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng khi nguồn cung vaccine cho châu lục này dồi dào trở lại sau thời gian chững lại.
[Tình hình dịch bệnh COVID-19 sáng 9/7: Hơn 186 triệu ca mắc]
Theo thống kê, trong 2 tuần qua, hơn 1,6 triệu liều vaccine đã được chuyển tới châu Phi thông qua cơ chế phân bổ vaccine công bằng COVAX. Dự kiến, châu Phi cũng sẽ sớm nhận được vaccine trong tổng số 20 triệu liều mà Mỹ viện trợ cho 49 quốc gia.
Bà Moeti khuyến nghị chính phủ các nước châu Phi cần mở rộng các điểm tiêm chủng và có biện pháp phân bổ vaccine hợp lý. Cho tới nay, châu Phi đã nhận được 66 triệu liều vaccine và đã phân bổ 50 triệu liều trong số này.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Y tế Tunisia Nisaf Ben Alaya cho biết hệ thống y tế của nước này đã "sụp đổ" dưới sức ép của đại dịch COVID-19, nhấn mạnh tác động của dịch bệnh đã trở thành "thảm họa" đối với quốc gia này.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, người phát ngôn Bộ Y tế Tunisia nêu rõ các bệnh viện ở nước này đều quá tải, nhân viên y tế phải vật lộn để cung cấp oxy và chịu đựng sự mệt mỏi chưa từng có. Bà kêu gọi tất cả người dân Tunisia đoàn kết trong nỗ lực chống đại dịch.
Chỉ tính riêng ngày 6/7 vừa qua Tunisia đã ghi nhận 9.823 trường hợp nhiễm mới và 134 ca tử vong, mức tồi tệ nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát. Các bệnh viện ở quốc gia Bắc Phi này đã chứng kiến tình trạng quá tải trong 2 tuần qua trong khi nguồn oxy và giường bệnh thiếu hụt.
Trang Facebook của Bộ Y tế cho hay các bệnh viện dã chiến đặc biệt được thiết lập trong những tháng gần đây đến giờ là không đủ.
Kể từ ngày 20/6, nhà chức trách đã phong tỏa 6 khu vực ở Tunisia khi số ca mắc COVID-19 tăng lên. Thủ đô Tunis đã bị phong tỏa một phần kể từ tuần trước, cùng với lệnh giới nghiêm vào cuối tuần từ ngày 10/7 để ngăn chặn người dân tập trung đông tại các bãi biển.
Cho đến nay, đất nước 12 triệu dân này đã ghi nhận gần 465.000 ca bệnh, trong đó có 15.735 ca tử vong, và chỉ 4% dân số đã được tiêm đủ 2 liều vaccine.
Trước tình hình này, Libya thông báo sẽ đóng cửa biên giới với quốc gia láng giềng Tunisia trong 1 tuần. Người phát ngôn Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya Mohamed Hamouda nêu rõ các sân bay và biên giới trên bộ với Tunisia bắt đầu đóng cửa từ nửa đêm 8/7.
Đối với công dân Libya mắt kẹt ở Tunisia, ông Hamouda thông báo thông qua lãnh sự quán tại Tunisia, nhà chức trách Libya sẽ tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân bị ảnh hưởng./.