WHO cảnh báo nhiều quốc gia chưa nỗ lực chống dịch COVID-19

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại trước việc nhiều nước chưa cho thấy “mức độ cam kết chính trị” cần thiết nhằm “ứng phó với mối đe dọa mà tất cả chúng ta đang đối mặt."
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 22/1/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo có quá nhiều quốc gia chưa triển khai tất cả những biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh gây chết người COVID-19.

Phát biểu ngày 5/3 với báo giới ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại trước việc nhiều nước chưa cho thấy “mức độ cam kết chính trị” cần thiết nhằm “ứng phó với mối đe dọa mà tất cả chúng ta đang đối mặt."

[Liệu kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi giai đoạn hậu COVID-19?]

Ông Ghebreyesus nhấn mạnh "dịch bệnh này là mối đe dọa đối với mọi quốc gia, cả nước giàu và nước nghèo," đồng thời cảnh báo "thậm chí các nước thu nhập cao cần cảnh giác trước các tình huống bất ngờ."

Ông khẳng định: "Đây không phải là một cuộc diễn tập."

Người đứng đầu WHO cũng đặc biệt lưu ý rằng một số quốc gia dường như chưa thực sự chú trọng đến mối đe dọa của dịch bệnh, với nhiều nước giao phó công tác xử lý khủng hoảng cho bộ y tế.

Theo Tổng Giám đốc Ghebreyesus, đây là cách tiếp cận “sai lầm” vì cuộc khủng hoảng đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, mọi tầng lớp dân cư, đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận toàn diện với sự tham gia tích cực của toàn bộ máy hành pháp.

Hiện, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, trong đó có lệnh đóng cửa các trường học.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết khoảng 290,5 triệu học sinh, sinh viên được nghỉ học trong vài tuần sau khi hơn 10 nước trên thế giới tuyên bố đóng cửa trường học, trong đó Italy và Ấn Độ là hai quốc gia mới nhất đưa ra quyết định này.

Ấn Độ đã cho phép toàn bộ học sinh tiểu học tại thủ đô New Delhi nghỉ học đến cuối tháng này.

Ấn Độ đưa ra quyết định này sau khi Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra vào ngày 13/3 tới cũng đã bị hoãn.

Trong khi đó, Italy cũng yêu cầu các trường học và đại học đóng cửa đến ngày 15/3.

Trước đó, Hàn Quốc, quốc gia có nhiều ca nhiễm COVID-19 thứ hai sau Trung Quốc đại lục, cũng đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến ngày 23/3, trong khi Nhật Bản gần như đóng cửa toàn bộ trường học cho đến đầu tháng sau. Động thái tương tự cũng diễn ra ở Iran, nơi hiện có hơn 100 ca tử vong.

Việc đóng cửa trường học nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong bối cảnh hiện nay không phải là mới, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng "quy mô và tốc độ của sự gián đoạn giáo dục trên toàn cầu hiện nay là chưa từng có và nếu tình trạng này kéo dài có thể đe dọa quyền được giáo dục."

Theo số liệu tính đến ngày 5/3, dịch COVID-19 đã xuất hiện ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với hơn 97.000 trường hợp nhiễm bệnh và khoảng 3.300 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục