WHO cảnh báo dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi vẫn "đặc biệt đáng lo ngại"

Theo báo cáo mới nhất của WHO, tính đến ngày 15/12, châu Phi đã ghi nhận 13.769 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 20 quốc gia trong khu vực, trong đó có 60 ca tử vong.
Em nhỏ bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tại Nyiragongo ở gần Goma, tỉnh Bắc Kivu, Cộng hòa Dân chủ Congo, ngày 15/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 23/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình hình dịch tễ học liên quan bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi vẫn "đặc biệt đáng lo ngại," với số ca bệnh tăng cao tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi và Uganda.

Theo báo cáo mới nhất của WHO, tính đến ngày 15/12, châu Phi đã ghi nhận 13.769 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 20 quốc gia trong khu vực, trong đó có 60 ca tử vong.

Cộng hòa Dân chủ Congo vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 9.513 ca bệnh được xác nhận.

Mặc dù xu hướng dịch bệnh tại tâm dịch là Cộng hòa Dân chủ Congo đã tương đối ổn định trong những tuần qua, WHO cảnh báo các nước không nên chủ quan do lo ngại độ trễ của các số liệu báo cáo.

Đáng chú ý, đợt bùng phát mới nhất ghi nhận sự lây lan của biến thể nguy hiểm clade 1b, xuất hiện lần đầu tiên tại Cộng hòa Dân chủ Congo từ tháng 9/ 2023.

WHO cho biết đã ghi nhận những trường hợp nhiễm clade 1b tại 8 quốc gia ngoài châu Phi, trong đó có Thụy Điển và Thái Lan. Tỷ lệ tử vong khi mắc clade 1b là khoảng 3,6%, cao hơn các biến thể trước đó.

Clade 1b là biến thể của chủng đặc hữu clade 1 gây bệnh đậu mùa khỉ. Chủng clade 1 lây nhiễm qua tiếp xúc với động vật mắc bệnh và chủng này đã gây ra các đợt bùng phát dịch trong phạm vi Cộng hòa Dân chủ Congo trong hàng chục năm qua.

Ngày 14/8, WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ gây tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC), khi số ca mắc biến thể Clade 1b tăng vọt tại Cộng hòa Dân chủ Congo và lan rộng ra ngoài biên giới nước này. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO đối với một dịch bệnh.

Bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra những triệu chứng giống như cúm và các vết loét có mủ. Thông thường bệnh ở thể nhẹ, tuy nhiên vẫn có nguy cơ gây tử vong hay dẫn tới biến chứng nghiêm trọng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ em, thai phụ và người có hệ miễn dịch yếu, như người có HIV./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục