Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, truyền thông khu vực ngày 26/3 dẫn lời người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi Matshidiso Moeti nhận định khoảng một nửa các quốc gia khu vực cận Sahara châu Phi vẫn còn “cơ hội hẹp” để kiềm chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây ra.
Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, bà Moeti cho rằng tình hình đang diễn biến rất phức tạp và các chính phủ khu vực cần nỗ lực tầm soát tất cả những người có tiếp xúc với các ca lây nhiễm trở về từ nước ngoài, nhằm cách ly và ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây truyền ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, bà Moeti kêu gọi các quốc gia tại châu Phi cần chuẩn bị cho kịch bản dịch COVID-19 có thể lan rộng hơn, tăng cường các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm đảm bảo người dân duy trì cách ly xã hội để giúp hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đồng thời thực thi các giải pháp cần thiết khác như tạm ngừng hoạt động giao thông hàng không.
[Khi đại dịch COVID-19 "gõ cửa" nhà những lao động nghèo Nam Phi]
Trong khi đó, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) John Nkengasong cho biết các nhà lãnh đạo châu Phi đang phối hợp với các đối tác nhằm đảm bảo nguồn cung trang bị y tế thiết yếu như máy thở trong trường hợp ca lây nhiễm gia tăng.
Ông Nkengasong khẳng định những quốc gia có cơ sở công nghiệp tiên tiến như Nam Phi, Ai Cập và Maroc có thể là nơi sản xuất những trang bị này trong trường hợp cần thiết.
Tại châu Phi, dịch COVID-19 dù có tốc độ lây truyền chậm hơn so với châu Á hay châu Âu, song virus SARS-CoV-2 đã có mặt tại hơn 40 quốc gia trong khu vực, với hơn 2.800 ca lây nhiễm và hơn 70 trường hợp tử vong.
Nam Phi hiện ban hành lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 21 ngày, trong khi một số nước khác như Ai Cập và Kenya cũng đang áp dụng lệnh giới nghiêm từ tối hôm trước tới sáng hôm sau để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Bên cạnh đó, hàng loạt quốc gia châu Phi đã đóng cửa biên giới khi sự lây lan của đại dịch COVID-19 đe dọa biến lục địa 1,3 tỷ người này thành một mặt trận mới đáng báo động./.