Reuters đưa tin, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai ngày 31/3 nhận định, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra "còn lâu mới kết thúc" ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương" và các biện pháp hiện nay để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh này đơn thuần là đang mua thời gian cho các nước để chuẩn bị cho những trường hợp lây nhiễm cộng đồng quy mô lớn.
Phát biểu tại cuộc họp báo truyền thông trực tuyến, ông Kasai phân tích, kể cả với tất cả các biện pháp này, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trong khu vực sẽ không biến mất chừng nào dịch COVID-19 còn tiếp diễn.
Theo ông, công tác chuẩn bị cho sự lây nhiễm quy mô lớn phải tiếp cận đến mọi người.
Ông cảnh báo rằng các nước đang chứng kiến số lượng ca mắc giảm dần không nên lơ là cảnh giác, nếu không SARS-CoV-2 có thể gia tăng trở lại.
[COVID-19: Campuchia và Nhật Bản công bố thêm các ca nhiễm mới]
Cùng ngày, nữ phát ngôn viên Chính phủ Myanmar, Khin Khin Gyi cho biết ngày 31/3, nước này đã ghi nhận cả tử vong đầu tiên do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bệnh nhân là một người đàn ông 69 tuổi, cũng mắc bệnh ung thư, đã tử vong tại một bệnh viện ở Yangon. Ông này đã tới Australia chữa bệnh và dừng tại Singapore trên đường về nước.
Myanamr đã ghi nhận 14 ca mắc COVID-19, chủ yếu là những người từ nước ngoài trở về.
Trước đó ngày 29/3, Bộ Y tế Myanmar cảnh báo nguy cơ rất cao một đợt "bùng phát lớn" dịch bệnh COVID-19 sau khi hàng chục nghìn người di cư đang làm việc ở Thái Lan đổ về nước trước khi đóng cửa biên giới.
Tới 6 giờ sáng 31/3, Việt Nam đã ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc mới, là một bé trai 10 tuổi, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh ngày 15/3/2020 nâng tổng số ca nhiễm virus SARS CoV-2 lên 204 ca. Trong số này, đã có 55 ca được chữa khỏi, không có ca tử vong. |