Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định HIV/AIDS là một yếu tố rủi ro "đáng kể" khiến những người mắc COVID-19 phải nhập viện có diễn biến bệnh nặng hơn và thậm chí nguy cơ tử vong cao hơn.
WHO đưa ra đánh giá này trong một nghiên cứu công bố ngày 15/7 tại Hội nghị Khoa học HIV hằng năm của Hiệp hội AIDS quốc tế (IAS).
Những nghiên cứu trước đây chưa xác định được mối liên hệ rõ ràng giữa nhiễm HIV và nguy cơ mắc COVID-19 nặng và tử vong, vì nhiều bệnh nhân cũng có các bệnh lý nền khác như huyết áp cao hoặc béo phì.
Nhưng gần đây, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 15.500 bệnh nhân HIV/AIDS phải nhập viện vì mắc COVID-19. Độ tuổi trung bình của nhóm người này là 45,5 và kết quả cho thấy hơn 30% trong số đó mắc COVID-19 nặng hoặc nguy kịch. Trong số người mắc HIV/AIDS phải nhập viện vì COVID-19, 23% đã tử vong.
[WHO cảnh báo nguy cơ lây lan các biến thể mới nguy hiểm]
Theo Chủ tịch IAS Adeeba Kamarulzaman, kết quả nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của việc ưu tiên những người đang sống chung với HIV/AIDS trong chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của các quốc gia.
Bà Kamarulzaman nhấn mạnh cộng đồng toàn cầu cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo đảm nguồn cung vaccine ngay lập tức cho những quốc gia có tỷ lệ mắc HIV/AIDS cao.
Bà lưu ý rằng đến nay tại châu Phi, chỉ có chưa đầy 3% dân số được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó chưa đến 1,5% nhận đủ 2 liều, nhấn mạnh rằng đây là điều "không thể chấp nhận được."
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) mới đây cho rằng đại dịch COVID-19 đang làm gián đoạn nghiêm trọng các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS.
Tại một số khu vực ở miền Nam châu Phi, xét nghiệm HIV/AIDS đã giảm gần 50% trong đợt phong tỏa đầu tiên vì dịch bệnh COVID-19 vào tháng 4/2020 khi hơn 28.000 nhân viên y tế về HIV/AIDS chuyển sang hỗ trợ công tác dập dịch COVID-19.
Trên toàn cầu hiện nay có hơn 37 triệu người đang sống chung với HIV/AIDS. Số người tử vong trên thế giới kể từ khi căn bệnh này bùng phát đến nay là 45 triệu người./.