WHO: 3 yếu tố để Việt Nam chống dịch COVID-19 hiệu quả

Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, đã đưa ra những nhận định, đánh giá về hiệu quả của đợt chống dịch COVID-19 từ cuối tháng Bảy đến nay của Việt Nam.
Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)
Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Đợt chống dịch từ ngày 23/7 đến nay của Việt Nam có nhiều diễn biến khác so với những lần trước đó.

Các chuyên gia nhận định, đây là giai đoạn “khó khăn hơn, phức tạp hơn cả về quy mô và tính chất” bởi đã có sự lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam cơ bản kiểm soát các ổ dịch lớn tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương…

TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam để đánh giá về đợt chống dịch lần này.

- Theo Tiến sỹ Kidong Park, những yếu tố cốt lõi để Việt Nam đạt được những kết quả trong đợt chống dịch vừa qua?

Tiến sỹ Kidong Park: Đợt dịch COVID-19 lần này bắt đầu từ cuối tháng Bảy tại Đà Nẵng đã đem đến nhiều thử thách khó khăn cho Việt Nam. Sau 5 tuần nỗ lực, Việt Nam đã kiểm soát được dịch.

Theo tôi, có được kết quả này là nhờ 3 yếu tố chính. Đầu tiên phải kể đến việc kích hoạt sớm hệ thống đáp ứng. Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Việt Nam đã nhanh chóng kích hoạt các hệ thống đáp ứng nhanh trên toàn quốc.

Nhờ đó, Việt Nam đã phát hiện và cách ly kịp thời các ca nghi mắc COVID-19; những người tiếp xúc gần với người mắc bệnh; nhóm đối tượng khách từ các vùng lãnh thổ đang có dịch đến Việt Nam... nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.

Cùng với năng lực hệ thống y tế cơ sở được tăng cường, Chính phủ nhanh chóng cử các nhóm chuyên gia trung ương trong lĩnh vực điều tra dịch bệnh, quản lý lâm sàng và xét nghiệm đến hỗ trợ các địa phương.

Qua đó, Việt Nam đã cung ứng các dịch vụ chăm sóc lâm sàng và y tế công cộng chất lượng cao cho người bệnh, giảm thiểu số lượng người tử vong.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thực hiện chia sẻ thông tin minh bạch và truyền thông thông điệp rõ ràng về nguy cơ dịch bệnh.

Người dân đã tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của các cơ sở y tế về phòng ngừa lây nhiễm; góp phần quan trọng kiểm soát và chặn đứng đà lây của virus SARS-CoV-2.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ đến các địa phương với những cam kết cấp cao được thể hiện rõ ràng ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện.

[Infographics] Sáng 10/9, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới

Người dân Việt Nam đã tham gia và ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như người thân. Sự thành công trong công tác kiểm soát dịch COVID-19 tại Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực tập thể này.

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng sản xuất vắcxin chống COVID-19 của Việt Nam?

Tiến sỹ Kidong Park: WHO hoan nghênh tất cả các chương trình phát triển vắcxin trên toàn cầu trong đó có các chương trình của Việt Nam.

Tính đến ngày 8/9, thế giới có khoảng 179 “ứng viên vắcxin” đang được phát triển, trong đó có Việt Nam; trong số đó có 34 vắcxin đang ở giai đoạn đánh giá lâm sàng. Chúng tôi rất mong một số vắcxin sớm được chứng minh là có hiệu quả và an toàn.

WHO đang hợp tác với các đối tác trên toàn cầu nhằm hỗ trợ quá trình nghiên cứu, phát triển, phê duyệt, sản xuất số lượng lớn và phân bổ công bằng các vắcxin COVID-19 an toàn và hiệu quả.

Có ba tình huống có thể xảy ra cho Việt Nam trong việc tiếp cận vắcxin COVID-19.

Tình huống thứ nhất là hỗ trợ quốc tế có điều phối thông qua cơ chế COVAX do WHO đồng chủ trì với Liên minh vắcxin Gavi và CEPI. Tình huống thứ hai là thông qua hợp đồng mua bán song phương. Tình huống thứ ba, Việt Nam tự phát triển thành công vắcxin COVID-19.

Chúng tôi lạc quan với các nỗ lực hiện nay, tuy nhiên cần rất cẩn trọng trong từng bước phát triển vắcxin.

- Dự báo, dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp, trong khi sự chủ quan trong cộng đồng đã xuất hiện. Ngài có cảnh báo gì đối với người dân để đảm bảo sức khỏe, an toàn trước diễn biến dịch bệnh?

Tiến sỹ Kidong Park: Đợt dịch COVID-19 gần đây đã nhắc nhở, đại dịch còn tiếp diễn lâu dài và chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác.

WHO đang hợp tác với Bộ Y tế cùng khuyến khích cách tiếp cận “chung sống an toàn với dịch COVID-19” nhằm tiến tới đạt được hai mục tiêu: Kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Để đảm bảo an toàn, sức khỏe, WHO khuyến nghị người dân thường xuyên vệ sinh tay bằng nước sát khuẩn hoặc xà phòng; thực hiện nghiêm quy tắc che miệng khi ho.

Người dân nên tránh những khu vực đã phát hiện các ca mắc bệnh; hạn chế hoặc tránh đến những môi trường như nơi có không gian kín, thông gió kém; nơi tập trung đông người; hạn chế tiếp xúc gần nhau, chẳng hạn như giao tiếp hoặc trò chuyện trong khoảng cách gần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục