Dịch vụ tin nhắn nổi tiếng của trang xã hội Facebook, WhatsApp ngày 5/4 cho biết đã thực hiện việc mã hóa toàn bộ các dữ liệu - động thái nhằm tăng cường tính bảo mật thông tin cho người sử dụng, tuy nhiên có thể dẫn đến những xung đột với các cơ quan thực thi pháp luật.
Thông báo trên của WhatsApp - ứng dụng trên điện thoại di động có tới 1 tỷ người trên thế giới sử dụng - được đưa ra sau nhiều tuần tranh cãi về những nỗ lực của nhà chức trách Mỹ nhằm buộc hãng Apple phải bẻ khóa chiếc điện thoại iPhone của một trong những thủ phạm thực hiện vụ xả súng tại San Bernardino, bang California, hồi cuối năm ngoái.
Thông báo nêu rõ: "WhatsApp luôn ưu tiên đảm bảo an toàn cho các dữ liệu và hệ thống liên lạc, và hiện đã hoàn thành việc phát triển công nghệ để trở thành ứng dụng đi đầu trong việc bảo mật thông tin cá nhân: toàn bộ các thông tin cá nhân được mã hóa. Điều này có nghĩa là khi bạn gửi một tin nhắn thì chỉ người hoặc nhóm người mà bạn gửi tin nhắn mới có thể đọc được nó."
Việc các hãng công nghệ xúc tiến việc mã hóa các dữ liệu ngay cả khi chính các hãng này cũng không có "khóa" để giải mã đã làm dấy lên sự chỉ trích của giới chức thực thi pháp luật, cho rằng điều này tạo ra rào chắn bảo vệ những kẻ tội phạm và các phần tử khác.
Trong khi đó, giới công nghệ khẳng định mã hóa dữ liệu là công cụ có ý nghĩa quan trọng đối với người sử dụng.
Trước đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã "bẻ khóa" thành công chiếc iPhone của một trong những nghi can trong vụ xả súng tại San Bernardino, chính thức chấm dứt cuộc chiến pháp lý căng thẳng với Apple kéo dài nhiều tuần qua.
Trong văn bản đệ trình lên tòa án ngày 28/3 để yêu cầu khép lại vụ việc, các công tố viên liên bang của Mỹ cho biết Chính phủ nước này đã lấy được dữ liệu từ chiếc iPhone của Syed Farook, một trong những thủ phạm trong vụ xả súng trên và do vậy không còn cần tới sự trợ giúp từ Apple.
Theo những công tố viên này, FBI đã quyết định chấm dứt vụ kiện trên sau khi nhận được sự giúp đỡ của bên thứ 3./.