Đông Phi đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua, sau 5 mùa mưa thất bát.
Khu vực này sắp bước vào mùa mưa thứ 6 nhưng triển vọng cũng sẽ không mấy hiệu quả. Hạn hán đang ảnh hưởng đến 22 triệu người tại Đông Phi (bao gồm cả Sừng châu Phi).
Đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 60 năm
Đông Phi nói chung và Vùng Sừng châu Phi nói riêng đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 60 năm qua khiến người dân ở đây đang phải đối mặt với nạn đói sau bốn mùa thiếu mưa liên tiếp.
Hồi cuối năm 2022, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA) từng cảnh báo khu vực Đông Phi và vùng Sừng châu Phi phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp do hạn hán chưa từng có với những hậu quả thảm khốc.
[Liên hợp quốc cảnh báo Somalia đang trên bờ vực của nạn đói]
Các mùa mưa tại Đông Phi từ tháng 10 đến tháng 12/2020, từ tháng Ba đến tháng 5/2021, từ tháng 10 đến tháng 12/2021 và từ tháng Ba đến tháng 5/2022 đều có lượng mưa dưới mức trung bình, khiến nhiều vùng đất rộng lớn ở Somalia, miền Nam và Đông Nam Ethiopia, miền Bắc và Đông Kenya phải đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài nhất trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, mùa mưa từ tháng Ba đến tháng 5/2022 là mùa mưa khô hạn nhất trong 70 năm qua.
Hạn hán trong giai đoạn từ năm 2020-2022 hiện đã vượt các đợt hạn hán kinh hoàng năm 2010-2011 và 2016-2017 cả về thời gian và mức độ nghiêm trọng, đồng thời có thể tiếp tục trầm trọng hơn trong những tháng tới, với những hậu quả thảm khốc.
Somalia, quốc gia ở khu vực Sừng châu Phi bị hạn hán tàn phá, đang trên bờ vực của nạn đói và không còn nhiều thời gian để cứu trợ người dân của nước này.
“Tôi đã bị sốc khi chứng kiến nỗi đau mà rất nhiều người Somalia phải chịu đựng. Lượng mưa thấp chưa từng có trong bốn mùa mưa liên tiếp, nhiều thập kỷ xung đột, nạn di dân hàng loạt, các vấn đề kinh tế nghiêm trọng đang đẩy nhiều người đến bờ vực của nạn đói," Người đứng đầu Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) Martin Griffiths cho biết.
Còn tại Kenya, đã có 205 con voi và hàng trăm con thuộc 44 loài động vật hoang dã khác ở Kenya đã chết khi nước này trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng.
Khủng hoảng lương thực
Giám đốc khu vực Đông Phi của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), ông Michael Dunford ngày 25/2 cho biết hàng triệu người ở Đông Phi có nguy cơ rơi vào cảnh chết đói, giữa lúc khu vực này phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận.
Ông Dunford cho biết thêm Ethiopia, miền Bắc Kenya và Somalia phải đối mặt với khủng hoảng lương thực, với một nửa dân số của Somalia cần cứu trợ nhân đạo.
Hơn 3 triệu người tại Somalia, Kenya và Ethiopia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ khẩn cấp. Điều này nghĩa là họ thường xuyên nhịn ăn trong ngày và phải bán tài sản của mình để tồn tại.
Không chỉ đối mặt với nạn đói do hạn hán, các nước Đông Phi còn phải đối mặt với khủng hoảng an ninh lương thực do tác động tiêu cực của khủng hoảng Ukraine. Nguồn cung giảm khiến giá lương thực, nhiên liệu và phân bón gia tăng.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), những biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu ngũ cốc, dầu thực vật và phân bón ngày càng thắt chặt kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, quy mô đã đạt đến mức của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008 về tỷ trọng thương mại toàn cầu.
Đông Phi phụ thuộc lớn vào nguồn lương thực và phân bón nhập khẩu, WFP cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể làm tồi tệ hơn tình hình an ninh lương thực vốn đã nghiêm trọng ở khu vực này.
Điều này có thể đẩy thêm 7-10 triệu người ở khu vực Đông Phi vào nạn đói.
Ông Dunford cho biết WFP đã huy động hơn 4,6 tỷ USD trong năm ngoái, với Mỹ là nhà tài trợ đơn lẻ lớn nhất, lưu ý rằng WFP đang cần nguồn tài trợ từ tất cả các nhà tài trợ, bao gồm cả Saudi Arabia.
Trong 6 tháng tới, WFP cần hơn 455 triệu USD cho các hoạt động cứu trợ ở Somalia./.