Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley ngày 7/2 thông báo, ông đã đạt được thỏa thuận với Ethiopia để mở rộng khả năng tiếp cận cho các nhân viên cứu trợ và "mở rộng quy mô" hoạt động tại khu vực phía Tigray xung đột ở miền Bắc quốc gia châu Phi này.
Thông báo của David Beasley trên Twitter được đưa ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng về một thảm họa nhân đạo ở Tigray, 3 tháng sau khi nổ ra giao tranh giữa các lực lượng trung thành với đảng cầm quyền trong khu vực và chính phủ của Thủ tướng Abiy Ahmed.
Ông Beasley cho hay, Chính phủ Ethiopia và WFP "đã nhất trí về các bước cụ thể để mở rộng quyền tiếp cận nhân đạo khắp vùng Tigray. WFP sẽ mở rộng quy mô hoạt động của mình."
Một tuyên bố của WFP nêu rõ, giới chức Ethiopia đã đồng ý đẩy nhanh việc xem xét các yêu cầu di chuyển của nhân viên cứu trợ trong khu vực Tigray.
[EU tạm ngừng hỗ trợ ngân sách cho Ethiopia do khủng hoảng Tigray]
Theo thông báo, WFP đã đồng ý với đề nghị của chính phủ sơ tại cung cấp viện trợ lương thực khẩn cấp cho 1 triệu người ở Tigray và giúp vận chuyển đến các vùng nông thôn khó tiếp cận.
Trong một tuyên bố riêng rẽ, Bộ trưởng Hòa bình Ethiopia Muferihat Kamil cho biết chính phủ đang "khẩn trương chấp thuận đề nghị đưa nhân viên quốc tế vào trong Tigray."
Giao tranh giữa quân đội Chính phủ Ethiopia và lực lượng Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) nổ ra từ ngày 4/11/2020. Chính phủ Ethiopia cáo buộc TPLF chủ mưu nhiều vụ việc gây bất ổn trên cả nước.
Đây vốn dĩ là một vùng nghèo với khoảng 6 triệu dân thường xuyên trong tình trạng thiếu đói. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nạn châu chấu phá hoại mùa màng và cuộc xung đột càng khiến nơi đây trở thành “vùng đất chết.”
Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc, hơn 56.000 người tại Tigray đã chạy sang Sudan kể từ khi xung đột nổ ra. Tháng 12/2020, Liên hợp quốc đã quyết định chi gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 35,6 triệu USD cho những dân thường bị mắc kẹt trong cuộc xung đột ở Tigray./.