WEF thảo luận về việc tăng sản lượng lương thực

Diễn đàn Kinh tế Thế giới thảo luận về việc tăng 20% sản lượng lương thực, cắt giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ngày 28/1, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang họp ở Davos (Thụy Sĩ,) một số công ty hàng đầu thế giới đã thỏa thuận đầu tư vào các dự án nông nghiệp ở Tanzania và Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực gia tăng cùng với sự gia tăng dân số toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã thông báo kế hoạch trên tại cuộc họp báo sau ngày họp thứ ba của WEF tại Davos nhằm thảo luận về việc tăng 20% sản lượng lương thực, cắt giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giảm 20% tỷ lệ người nghèo tại các khu vực nông thôn trên thế giới trong vòng một thập kỷ tới.

Giám đốc điều hành Monsanto (MON.N,) công ty hạt giống lớn nhất thế giới, ông Hugh Grant dự đoán với mức tăng dân số như hiện nay, đến năm 2050 thế giới phải tăng gấp đôi sản lượng lương thực.

Các nhà phân tích cho rằng châu Phi ngày nay đã có vị thế vững vàng hơn để có thể đối phó được với tình trạng thiếu nguồn cung lương thực, căn bệnh kinh niên của châu lục này trong nhiều năm qua, nguyên nhân đẩy giá lương thực trở thành vấn đề chính trị nhạy cảm.

Kế hoạch đầu tư vào các dự án nông nghiệp trên đã thu hút được 17 công ty và chính phủ trên toàn thế giới nhằm phát triển diện tích đất trồng trọt có thể giúp tăng gấp ba sản lượng nông nghiệp tại khu vực châu Phi hiện nay.

Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete cho rằng những dự án nông nghiệp này có thể đưa hai triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói.

Chuyên gia kinh tế đến từ Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) nhận định trong hoàn cảnh giá lương thực tăng cao như hiện nay, đầu tư vào nông nghiệp sẽ là sáng suốt và hiệu quả hơn nhiều so với việc chỉ tìm giải pháp nhằm giảm số người nghèo cũng như tình trạng bạo lực do thiếu lương thực mà các quốc gia đang phải đối mặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục