WEF sẽ hợp tác với Việt Nam trong một số dự án quan trọng

Tại Diễn đàn Davos năm nay, Giám đốc WEF khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết WEF sẽ mở rộng lĩnh vực hợp tác với Việt Nam và đó sẽ là bước đà để hai bên xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn.
WEF sẽ hợp tác với Việt Nam trong một số dự án quan trọng ảnh 1Trung tâm Hội nghị Davos tại Davos-Klosters, Thụy Sĩ, nơi diễn ra Diễn đàn Davos 2019. (Nguồn: AFP)

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị tham dự Hội nghị thường niên 2019 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hay còn gọi là Diễn đàn Davos 2019, diễn ra từ ngày 22-25/1 tại Davos-Klosters, Thụy Sĩ, phóng viên TTXVN tại Geneva đã có cuộc phỏng vấn với ông Justin Wood, Giám đốc WEF khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đánh giá về mối quan hệ hợp tác giữa WEF và Việt Nam trong năm vừa qua, ông Justin Wood khẳng định WEF đang có mối quan hệ rất tốt với Việt Nam.

Mối quan hệ tốt đẹp này đặc biệt được thể hiện trong năm 2018, với điểm nhấn là Diễn đàn ASEAN-WEF. Đây là một sự kiện đáng nhớ tại Hà Nội khi quy tụ 1.200 khách mời đến từ các chính phủ, doanh nghiệp, giới học thuật, xã hội dân sự.

Theo ông Justin Wood, hiện nay, WEF và Việt Nam cũng đang cùng hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực với nhiều dự án đang được triển khai tại Việt Nam như trong ngành công nghiệp thực phẩm, với bài toán làm thế nào để nâng cao chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Hai bên cũng hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, và đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp gia tăng dòng tài chính đổ vào lĩnh vực này tại Việt Nam.

[Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 sẽ vắng một số lãnh đạo thế giới]

Bên cạnh đó, WEF và Việt Nam cũng hợp tác trong lĩnh vực liên quan tới cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với các bài toán được đưa ra như tìm kiếm cách thức để chuyển thể các ứng dụng công nghệ, công nghệ số và nội hàm của cuộc cách mạng hiện nay đối với một nền kinh tế như Việt Nam.

Đề cập tới vấn đề hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận Đối tác công tư (PPP) được WEF và Bộ Ngoại giao Việt Nam ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại WEF ở Davos hồi năm 2017, Giám đốc WEF khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết hợp tác hiện nay giữa Việt Nam và WEF trong khuôn khổ PPP đã được triển khai sang năm thứ 3 và WEF sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam để gia hạn hoạt động hợp tác tới năm 2020.

Ông Justin Wood nhấn mạnh PPP là thỏa thuận đặt nền tảng cho tất cả những gì WEF có thể hợp tác với Việt Nam và thỏa thuận này đã được hai bên triển khai hiệu quả với nhiều dự án như đã đề cập ở trên.

Tại Diễn đàn Davos năm nay, ông Justin Wood cho biết WEF sẽ mở rộng lĩnh vực hợp tác với Việt Nam và đó sẽ là bước đà để hai bên có thể xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn trong tương lai. Cụ thể, hai bên sẽ cùng ký kết 2 thỏa thuận đối tác quan trọng.

Thứ nhất là thỏa thuận về quản trị vấn đề rác thải nhựa - vấn đề mà ông Wood cho rằng tất cả các nền kinh tế đều vướng mắc. WEF đã phát triển các ý tưởng cùng nhiều dự án khác nhau nhằm đưa các doanh nghiệp và chính phủ xích lại gần nhau để quản trị vấn đề rác thải nhựa và xây dựng một nhận thức chung có trách nhiệm hơn đối với vấn đề rác thải nhựa, vì mục tiêu phát triển một nền kinh tế bền vững và có trách nhiệm hơn.

Theo Giám đốc WEF khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ mong muốn đưa những ý tưởng này về Việt Nam nhằm giúp Việt Nam quản lý nền kinh tế nhựa một cách hiệu quả nhất, cũng như chia sẻ những ý tưởng này với cả khu vực ASEAN. Khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, đây sẽ là cơ hội để những ý tưởng này được lan tỏa rộng ra toàn khu vực.

Thỏa thuận thứ hai mà WEF và Việt Nam sẽ ký kết là hợp tác trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tính tới thời điểm hiện tại, WEF đã xây dựng 4 Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) trên thế giới, với trụ sở chính đặt tại San Francisco, Mỹ. Ý tưởng đằng sau trung tâm này là kết nối chính phủ với những lãnh đạo doanh nghiệp để hợp tác nhằm tìm kiếm cách thức ứng xử với công nghệ theo cách có trách nhiệm nhất, đem lại nhiều lợi ích nhất cho xã hội, cũng như đảm bảo rằng những công nghệ tiên tiến được khai thác đúng mục đích.

Ông Justin Wood là thành viên của Hội đồng điều hành WEF, đồng thời là Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức này từ năm 2015.

Ông từng là nhà báo và sau đó làm việc trong vòng 14 tại châu Á, trong lĩnh vực kinh tế, tài chính. Lần gần nhất ông đến Việt Nam là hồi tháng 11/2018 để thảo luận về quan hệ giữa WEF với Việt Nam, trong đó có khả năng thành lập một phân nhánh của Trung tâm C4IR tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục