WEF ASEAN 2018: ASEAN hướng tới an toàn giao thông đường bộ

Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018), phiên thảo luận về ASEAN hướng tới an toàn giao thông đường bộ đã tập trung về những vấn đề "nóng" trong lĩnh vực này.
WEF ASEAN 2018: ASEAN hướng tới an toàn giao thông đường bộ ảnh 1Các đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), phiên thảo luận về nội dung ASEAN hướng tới an toàn giao thông đường bộ đã diễn ra chiều 12/9, tại Hà Nội.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Sun Chanthol, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Campuchia, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ, nội dung thảo luận tập trung về những vấn đề "nóng" mà trên thực tế cả ASEAN và thế giới đang gặp phải, đó là an toàn giao thông.

Ông Sun Chanthol cho rằng, các quốc gia nỗ lực để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhưng những con người đang sử dụng hạ tầng giao thông, đường xá lại không tuân thủ luật giao thông và gây ra tai nạn.

Trong ASEAN, thiệt hại gây ra bởi tai nạn đường bộ là 3% GDP. Điều này là gánh nặng cho kinh tế các nước ASEAN. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp làm giảm tỉ lệ thương vong, tăng an toàn đường bộ.

Về vấn đề này, ông Sun Chanthol cho rằng, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân là hết sức quan trọng, bởi tất cả sẽ vô nghĩa nếu như các kỹ sư giỏi cố gắng xây những con đường tốt, nhưng người sử dụng không chịu tuân thủ quy tắc khi tham gia giao thông. Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và có chế tài phù hợp cũng là yếu tố rất cần thiết. Hiện chưa có chiến lược nào được đưa ra để giải quyết thực trạng này, song vấn đề lại ít nhận được sự quan tâm và đưa ra bàn thảo.

Ông Sun Chanthol nhấn mạnh, các quốc gia ASEAN cần phải hành động cùng nhau và cần một chương trình hành động để giảm đi một nửa các tai nạn đường bộ vào năm 2020. Với Campuchia sẽ tập trung vào giáo dục, nâng cao nhận thức người tham gia giao thông nhưng việc tuân thủ thì vẫn cần phải có luật pháp và chính sách thực thi luật pháp.

Tần Lê, người sáng lập, Giám đốc điều hành Emotiv đã chia sẻ, với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có nhiều ứng dụng của trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông minh được áp dụng cho các phương tiện. Công nghệ thông minh này được sử dụng hợp pháp trong phương tiện giao thông và xu hướng này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới người lái xe bởi việc hợp pháp hóa sử dụng công nghệ này trong xe không có nghĩa là người lái xe có quyền xao nhãng trong khi điều khiển.

Như vậy, trong cuộc cách mạng công nghệ và cách mạng về áp dụng công nghệ cho xe hơi, hành vi của người sử dụng cũng cần phải được đưa vào các nghiên cứu áp dụng công nghệ để tạo ra một mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng và phương tiện có áp dụng công nghệ cao.

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu đã thống nhất cho rằng, vấn đề gây khó khăn trong đảm bảo an toàn giao thông đường bộ đó là sự đa dạng của các phương tiện tham gia giao thông, người đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô, xe tải, xe thô sơ. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất đó là yếu tố con người, hành vi của những người tham gia giao thông, người lái xe.

Trong những năm qua, Cộng đồng ASEAN luôn được đánh giá là khu vực phát triển năng động và giàu tiềm năng của châu Á và thế giới. Hiện nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN là nền tảng thúc đẩy sự phát triển kinh tế giữa các nước trong khu vực và sự hợp tác, do đó phát triển giao thông liên vận trong ASEAN có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển đó.

Hợp tác và phát triển giao thông liên vận đòi hỏi các nước ASEAN phải cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề còn vướng mắc trong quy định luật giao thông giữa các nước, quy định về quản lý phương tiện giao thông và người tham gia giao thông…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục