WB tìm hiểu những tác động của biến đổi khí hậu tại Bến Tre

Ngày 24/8, bà Rachel Kyte, Phó Chủ tịch WB đã đến Bến Tre tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
WB tìm hiểu những tác động của biến đổi khí hậu tại Bến Tre ảnh 1Mưa lũ đã cuốn trôi nhiều ruộng vườn, nhà cửa của dân. (Ảnh minh họa: Xuân Tư/TTXVN)

Ngày 24/8, bà Rachel Kyte, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB); ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đến Bến Tre tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre báo cáo với đoàn: Những tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong những năm gần đây là một thực tế chứ không phải còn nằm trong kịch bản. Đó là cơn bão số 5 (Linda) năm 1997; bão số 9 (Durian) năm 2006 gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Bến Tre; sạt lở bờ biển, bờ sông; nước mặn dâng cao, xâm nhập sâu vào nội đồng; thời tiết mưa, nắng thất thường ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Được sự giúp đỡ của Trung ương và của WB, Bến Tre đã có nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu như tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác động và giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, Bến Tre đã xây dựng nhiều công trình nhằm hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu như thi công tuyến đê biển huyện Ba Tri dài 31km và 20 cống ngăn mặn do Ngân hàng tài trợ; xây mới một và nâng cấp một nhà máy cung cấp nước sạch cho hơn 2.000 hộ dân; cấp trên 2.300 ống chứa nước bằng ximăng hình trụ cho hộ nghèo (ống có thể tích 2m3); xây dựng mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu...

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế ứng phó với biến đổi khí hậu thì Bến Tre còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có hàng trăm công trình cần được thi công nhưng thiếu vốn.

Điển hình như tuyến đê biển của hai huyện Bình Đại và Thạnh Phú, dài gần 100km, có 49 cống qua đê, kinh phí trên 300 tỷ đồng, nhà máy cung cấp nước sạch cho 4 huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, kinh phí trên 800 tỷ đồng; kè chống sạt lở bờ sông An Hóa, vốn trên 50 tỷ đồng; dự án trồng mới hơn 830ha rừng phòng hộ ven biển để nâng tỷ lệ che phủ rừng, kinh phí trên 54 tỷ đồng...

Bà Rachel Kyte, Phó Chủ tịch WB ghi nhận những ý kiến phát biểu của lãnh đạo tỉnh Bến Tre, trong đó có sự cần thiết của những dự án để đối phó với biến đổi khí hậu. Qua chuyến đi khảo sát tại Bến Tre, bà sẽ có cuộc làm việc với Chính phủ Việt Nam. WB sẽ hỗ trợ những quyết định do phía Việt Nam đưa ra.

Bà nói: "Chúng tôi hiểu được tính cấp thiết của việc phòng chống trước khi cơn bão xảy ra."

Tại Bến Tre, đoàn đã được lãnh đạo tỉnh hướng dẫn đi thăm công trình cống đập ngăn mặn ở hạ lưu sông Ba Lai - một trong chín cửa của sông Cửu Long; tìm hiểu mô hình sản xuất "tôm-lúa" thích ứng với biến đổi khí hậu ở xã Tân Xuân (Ba Trí); khảo sát tác động của biến đổi khí hậu gây ra sạt lở đất ở cồn Nhàn, cồn Ngoài thuộc xã Bảo Thuận (Ba Tri) và hỏi chuyện người dân sinh sống trên cồn trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục