Phó Chủ tịch phụ trách tài trợ phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB), Akihiko Nishio, cho biết WB phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là huy động số tiền kỷ lục để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất.
Ông Nishio cho biết đồng USD mạnh là một yếu tố căn bản, bên cạnh việc có nhiều yêu cầu tài trợ như viện trợ Ukraine, người tị nạn và những người bị ảnh hưởng do giá lương thực cao hơn.
Theo ông Nishio, do đồng USD tăng giá mạnh, hầu hết đồng tiền của quốc gia tài trợ đều mất giá. Đồng thời, một số nước châu Âu sẽ cần tăng mức đóng góp khoảng 20% chỉ để duy trì số tiền tài trợ được điều chỉnh theo lạm phát.
Chủ tịch WB Ajay Banga năm ngoái đã đặt mục tiêu huy động số tiền đóng góp vượt kỷ lục cho Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), một đơn vị của WB cung cấp các khoản vay và trợ cấp lãi suất thấp cho khoảng 75 quốc gia nghèo nhất.
Mức cao kỷ lục mới đây nhất là 93 tỷ USD đã đạt được trong vòng huy động vốn gần đây nhất, kết thúc vào năm 2021. Ông Nishio cho biết IDA sẽ cần huy động ít nhất 105 tỷ USD chỉ để duy trì nguồn vốn mới tính bằng USD.
Chủ tịch Banga có thể lên tiếng kêu gọi các nhà tài trợ, trong đó có nước đóng góp nhiều nhất là Mỹ, tại hội nghị thường niên của WB trong tuần tới ở Washington. Con số tài trợ cuối cùng sẽ được công bố tại một sự kiện ở Seoul (Hàn Quốc) vào đầu tháng 12/2024.
WB nhấn mạnh sự cần thiết của nguồn vốn trong một báo cáo công bố ngày 13/10, trong đó cho thấy tình hình của các nền kinh tế nghèo nhất với thu nhập bình quân đầu người hàng năm dưới 1.145 USD hiện còn tồi tệ hơn so với trước đại dịch COVID-19. Đồng thời, 26 nền kinh tế nghèo nhất thế giới đang gánh số nợ lớn nhất kể từ năm 2006 đến nay./.
WB: Các nền kinh tế nghèo nhất thế giới “oằn mình” với gánh nợ kỷ lục
Nhà kinh tế Ayhan Kose của WB cho biết, các nền kinh tế thu nhập thấp cần tự cải thiện tình hình tài chính, nhưng đồng thời cũng cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ nước ngoài.