Nợ xấu là nút thắt cổ chai kéo lùi tăng trưởng

WB: Nợ xấu đang là nút thắt cổ chai kéo lùi tăng trưởng

Ngân hàng Thế giới nhận định rằng nợ xấu đang là nút thắt cổ chai, kéo lùi tăng trưởng và phục hồi của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Báo cáo cập nhật kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 7/4 tại Hà Nội đưa ra nhận định những điểm yếu của ngành tài chính ngân hàng vẫn còn tồn tại, tạo thành trở ngại cho tình hình kinh tế chung của Việt Nam.

Theo báo cáo của WB, nợ xấu trong ngành ngân hàng tiếp tục là một mối lo ngại lớn, mặc dù cơ sở dữ liệu kém chất lượng và thông tin được công bố hạn chế làm ngăn cản khả năng ước tính chính xác độ lớn của nợ xấu.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, nhận định: "Bản thân các ngân hàng đang dùng tiền mua trái phiếu Chính phủ chứ không cho vay vì bản thân họ cũng sợ nợ xấu."

Do vậy, từ năm 2013 Chính phủ đã thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) để mua lại nợ xấu của các ngân hàng. Đánh giá cao việc công ty này giúp các ngân hàng đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán, tuy nhiên, WB vẫn còn quan ngại về hiệu quả hoạt động của công VAMC do nguồn lực quá thấp so với vốn hóa ngành ngân hàng, cũng như việc xử lý nợ chưa được phản ánh rõ ràng.

Bà Kwakwa cho biết hiện chưa có thông tin đầy đủ và chính xác về hoạt động cũng như quá trình mua lại nợ xấu của VAMC. "Họ đã hoạt động và mua lại lượng nợ xấu đáng kể, nhưng chúng tôi chưa có những thông tin chi tiết. Do vậy, chúng tôi mới chỉ biết việc VAMC đang hoạt động hơn là quá trình họ xử lý nợ xấu như thế nào," bà Kwakwa nói.

Ông Bert Horfman, chuyên gia kinh tế trưởng của Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cũng đồng quan điểm: "Chúng tôi không thể có khuyến nghị cụ thể với Việt Nam vì chưa biết tầm cỡ nợ. Nợ xấu đang là nút thắt cổ chai và kéo lùi tăng trưởng và phục hồi của hệ thống ngân hàng. Do vậy, cần phải giải quyết nợ xấu thì hệ thống ngân hàng mới phục hồi, tăng trưởng tín dụng mới hồi phục."

Báo cáo cho rằng lạm phát thấp đã tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, song tăng trưởng tín dụng mới chỉ nhích dần dần do các ngân hàng phải chịu gánh nặng từ tỷ lệ nợ xấu cao, e ngại những rủi ro ngày càng gia tăng. Nhu cầu tín dụng vẫn còn yếu, thể hiện các doanh nghiệp khu vực tư nhân vẫn còn thiếu niềm tin trong lĩnh vực kinh doanh.

Bên cạnh đó, báo cáo của WB cũng nhận định, Chính phủ đang phải đối mặt với những thách thức tài chính ngày càng tăng do thu ngân sách giảm. Mục tiêu thâm hụt ngân sách đặt ra cho năm 2013 đã được điều chỉnh từ 4,8% của GDP lên 5,3% GDP, do đó đã vượt quá chỉ tiêu thâm hụt của Chính phủ là 4,5% GDP. Tăng trưởng kinh tế chậm lại kết hợp với ưu đãi giảm thuế cho các doanh nghiệp đã làm giảm khả năng hồi phục của thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong hai năm qua. Chính phủ đang cố gắng tăng cường quản lý thuế để có thể bù đắp một phần thiệt hại.

Về triển vọng kinh tế năm 2014, tổ chức này dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn khoảng 5,5% dựa trên giả định Chính phủ theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng và tiếp tục tái cơ cấu. Cán cân thương mại và vãng lai dự kiến vẫn thặng dư, nhưng ở mức thấp hơn năm 2013. Lạm phát có thể đạt mục tiêu của Chính phủ là 7% trong trường hợp tăng trưởng tín dụng khiêm tốn và sẽ không xảy ra những cú sốc lớn từ phía cung.

Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho rằng, với chương trình tái cơ cấu đang tiến triển tốt, dự kiến sẽ có một số tiến bộ quan trọng trong năm 2014. Việc Việt Nam nỗ lực yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành và cổ phần hóa có thể gửi tín hiệu tích cực với các nhà đầu tư về cam kết của Chính phủ đối với chương trình này.

Song, WB cũng cảnh báo những thành quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn mong manh và đang đối mặt với những rủi ro liên quan đến tổng cầu của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu. Một rủi ro khác là cơ quan chức năng có thể buộc phải nới lỏng chính sách tài khóa về tiền tệ thận trọng để kích cầu khu vực tư nhân và đà cải cách có thể tiếp tục chậm chạp, khiến cho tăng trưởng GDP tiếp tục ở mức thấp và giảm bền vững tài khóa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục