WB huy động thêm 500 triệu USD cho quỹ phòng ngừa dịch bệnh

Trong năm năm tới, Chương trình Tài chính khẩn cấp cho đại dịch sẽ huy động được 500 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu và các sản phẩm tài chính, tiền mặt và cam kết mới của các nước tài trợ.
WB huy động thêm 500 triệu USD cho quỹ phòng ngừa dịch bệnh ảnh 1Chủ tịch Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Thế giới (WB) đã huy động thêm 500 triệu USD cho quỹ phản ứng nhanh với các đợt dịch bệnh thông qua hình thức mở bán các "trái phiếu phòng đại dịch."

Trong tuyên bố ngày 28/6, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết sau bài học ứng phó chậm trễ với đợt bùng phát dịch Ebola tại châu Phi năm 2013, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, WB đã tích cực triển khai Chương trình Tài chính khẩn cấp cho đại dịch (PEF), qua đó hỗ trợ tài chính kịp thời cho các nước đang phát triển tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

[Sau 3 năm, dịch bệnh Ebola đang có nguy cơ bùng phát trở lại]

Theo đề án xây dựng, trong năm năm tới, quỹ này sẽ huy động được thêm 500 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu và các sản phẩm tài chính, tiền mặt và cam kết mới của các nước tài trợ. Đức đã cam kết khoản tài trợ 50 triệu euro.

Chủ tịch Jim Yong Kim nhấn mạnh sáng kiến thành lập PEF là một bước tiến quan trọng của WB giúp cứu mạng sống của hàng triệu người trên thế giới cũng như cứu toàn bộ nền kinh tế thoát khỏi một trong những nguy cơ mang tính hệ thống nguy hiểm nhất hiện nay. Ông khẳng định thế giới đang thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự hỗn loạn và thiếu sự chuẩn bị khi dịch bệnh bùng phát.

Cho đến nay, ngân quỹ của PEF đã tăng 200% so với giá trị ban đầu vốn chỉ là 500 triệu USD tính từ thời điểm WB công bố thành lập quỹ bảo hiểm này tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) ở Nhật Bản hồi tháng 5/2016. PEF được triển khai dưới sự phối hợp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng các nhà cung cấp bảo hiểm Swiss Re và Munich Re.

Theo chương trình này, 77 nước kém phát triển sẽ nhận được hỗ trợ khi xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, cơ chế bảo hiểm sẽ chỉ được áp dụng với sáu chủng cúm có nguy cơ làm bùng phát đại dịch, gồm virus cúm A; virus gây bệnh đường hô hấp SARS, MERS; virus gây chết người như Ebola, Marburg; virus gây sốt xuất huyết Crimean Congo; virus gây sốt Rift Valley và virus gây bệnh chết người Lassa./. |

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục