Trong báo cáo "Di cư tìm kiếm cơ hội: Vượt qua những rào cản đối với sự dịch chuyển lao động ở Đông Nam Á" công bố ngày 9/10, Ngân hàng Thế giới (WB) hối thúc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gia tăng tính lưu động của lao động tay nghề thấp trong các kế hoạch hội nhập kinh tế của Hiệp hội, trong khi nhấn mạnh Đông Nam Á hiện có tỷ lệ di cư trong nội khối cao hơn các khu vực khác trên thế giới.
Theo báo cáo, giữa các quốc gia thành viên ASEAN, số người di cư tiếp tục gia tăng, trong khi tỷ lệ di cư trong khu vực ở hầu hết các khu vực khác đều giảm trong 20 năm qua.
Báo cáo cho biết, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã trở thành những điểm đến của người di cư trong khu vực, tiếp nhận 6,5 triệu người di cư ở ASEAN, chiếm 96% tổng số, trong khi Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar là những nước "gửi" người di cư chủ yếu trong khu vực.
[ASEAN tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy việc làm bền vững]
Theo ông Sudhir Shetty, nhà kinh tế trưởng ở Đông Á và Thái Bình Dương của WB, bộ phận người di cư trong ASEAN là gần 7 triệu người, gấp hơn ba lần so với năm 1995.
Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của khu vực, kết hợp với cách biệt về thu nhập và tỷ lệ dân số già giữa các nước. Ví dụ, mức lương tháng trung bình ở Singapore là 3.694 USD vào năm 2013, gấp hơn 30 lần so với Campuchia.
Báo cáo cho biết, hầu hết những người di cư trong khu vực là lao động có tay nghề thấp mong muốn tìm việc làm có mức lương cao hơn. Hiện những nỗ lực nhằm tăng tính lưu động của lao động trong khu vực nhằm vào lao động có trình độ như bác sỹ, nha sỹ, kiến trúc sư, kế toán,.. vốn chiếm khoảng 5% lực lượng lao động ở các nước ASEAN mà bỏ qua đại bộ phận lao động di cư có tay nghề thấp./.