Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt khoản vay 150 triệu USD nhằm giúp Indonesia tăng quy mô đầu tư vào năng lượng địa nhiệt thông qua việc giảm rủi ro trong giai đoạn đầu thăm dò.
Theo WB, khoản vay trên sẽ được giải ngân kèm theo các khoản tài trợ có tổng trị giá 127,5 triệu USD từ Quỹ Khí hậu xanh và Quỹ Công nghệ sạch - hai tổ chức chuyên hỗ trợ triển khai các dự án thân thiện với môi trường.
WB cho rằng năng lượng địa nhiệt dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính ở Indonesia. Là nguồn năng lượng sạch và tái tạo với nguồn cung liên tục, địa nhiệt có thể giúp giảm sự phụ thuộc của quốc gia này vào nguồn điện từ các nhà máy vận hành bằng than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác. Nếu nguồn tài nguyên này có thể tiếp cận dễ dàng, chi phí sản xuất sẽ cạnh tranh so với than đá và khí đốt tự nhiên.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết nước này có tiềm năng địa nhiệt rất lớn và hiện đứng thứ hai thế giới về công suất sản xuất điện từ địa nhiệt. Bà Mulyani đánh giá rằng địa nhiệt bền vững với môi trường, đồng thời khẳng định phát triển lĩnh vực này là một phần không thể thiếu trong chính sách an ninh năng lượng của Indonesia, giúp quốc gia này giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.
Bà Mulyani nhấn mạnh: “Chính phủ Indonesia cam kết sẽ khuyến khích các nhà phát triển tham gia khai thác tiềm năng địa nhiệt và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ."
Nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rủi ro cho nguồn tài nguyên địa nhiệt Indonesia (GREM), khoản vay của WB sẽ giúp các nhà phát triển khu vực công và tư nhân giảm thiểu rủi ro trong khâu thăm dò tài nguyên địa nhiệt, trong đó tài trợ một phần chi phí trong trường hợp dự án thăm dò không thành công. Dự án cũng hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực địa nhiệt.
[Nhật Bản quyết dùng năng lượng tái tạo thay nhiên liệu hóa thạch]
Theo ông FX Sutijastoto, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng mới, Năng lượng tái tạo và Bảo tồn năng lượng thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, để đạt được mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng lên 23% vào năm 2025, địa nhiệt cần đóng góp khoảng 7% hoặc tương đương 7.000 MW. Đó là một kế hoạch đầy tham vọng và khổng lồ với tổng nguồn vốn đầu tư lên tới 35 tỷ USD.
Đầu tư vào các dự án địa nhiệt luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là ở giai đoạn thăm dò, và hiện chưa có tổ chức tài chính nào sẵn sàng tài trợ kinh phí cho giai đoạn ban đầu này. Do vậy, khoản vay của WB giúp giải “bài toán lớn” và đóng góp vào sự thành công của ngành địa nhiệt Indonesia.
Ông Sutijastoto cho biết chi phí khoan thăm dò tương đối nhỏ so với tổng chi phí phát triển năng lượng địa nhiệt. Tuy nhiên, đây là giai đoạn rủi ro nhất và việc tìm kiếm nguồn vốn ban đầu này là một thách thức đối với các nhà phát triển vì họ không thể thu hồi được chi phí nếu kết quả khoan thăm dò không hiệu quả về mặt kinh tế.
Về phần mình, Giám đốc WB tại Indonesia và Timor-Leste, Rodrigo A. Chaves, chia sẻ: "Đầu tư cho khoan thăm dò là một trong những rào cản chính đối với việc phát triển địa nhiệt ở Indonesia. Vượt qua rào cản này sẽ cho phép Indonesia khai thác triệt để tiềm năng địa nhiệt to lớn của mình./."