WB hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 của Indonesia xuống 5%

Đối mặt với các thách thức kinh tế toàn cầu, tăng trưởng của Indonesia đã giảm xuống còn 5% trong quý 3/2019 từ mức 5,1% trong quý trước.
WB hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 của Indonesia xuống 5% ảnh 1Đồng rupiah. (Nguồn: The Jarkata Post)

Trong một báo cáo kinh tế hàng quý công bố ngày 11/12, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm 2019 xuống 5% từ mức 5,1% được đưa ra vào tháng Sáu.

Tương tự, WB cũng hạ dự báo tăng trưởng của “quốc gia vạn đảo” trong năm 2020 xuống 5,1% từ mức 5,2% trước đó do các nguy cơ dài hạn từ tình trạng căng thẳng thương mại gia tăng trên toàn cầu.

Theo báo cáo của WB, việc hạ dự báo tăng trưởng đối với Indonesia phản ánh nhu cầu toàn cầu suy yếu và tình trạng không chắc chắn gia tăng liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, kéo theo tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư sụt giảm.

[Tăng trưởng kinh tế Indonesia thấp hơn dự báo hồi đầu năm]

Đối mặt với các thách thức kinh tế toàn cầu, tăng trưởng của Indonesia đã giảm xuống còn 5% trong quý 3/2019 từ mức 5,1% trong quý trước. Quý 3 cũng chứng kiến sự thay đổi trong các động lực tăng trưởng chính của Indonesia.

Tăng trưởng đầu tư cố định suy yếu hơn nữa do giá hàng hóa giảm và bất ổn chính trị. Tiêu dùng trong nước cũng tăng trưởng chậm lại, trong khi nhu cầu nội địa suy yếu khiến nhập khẩu giảm mạnh.

Theo quyền Giám đốc WB tại Indonesia và Timor-Leste Rolande Pryce, các nền tảng kinh tế vĩ mô của Indonesia vẫn lành mạnh. Điều này đã giúp “quốc gia vạn đảo” duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Trong khi đó, số lượng việc làm mới gia tăng, tỷ lệ lạm phát thấp và việc mở rộng các chương trình trợ giúp xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ nghèo xuống mức thấp kỷ lục 9,4% trong tháng Ba năm nay.

Bản báo cáo cập nhật của WB cũng dự báo thâm hụt tài khoản vãng lai (CAD) của Indonesia sẽ thu hẹp trong thời gian tới, từ mức 2,7% GDP năm 2019 xuống 2,6% GDP vào năm 2020.

Cũng theo WB, các nguy cơ đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế của Indonesia tiếp tục nghiêm trọng, trong đó, căng thẳng thương mại kéo dài có thể gây thêm rủi ro đối với giá cả hàng hóa, dòng chảy thương mại quốc tế, tâm lý kinh doanh toàn cầu, tăng trưởng đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục