Ngày 5/10, Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật Báo cáo tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương tại Singapore và kết nối qua cầu truyền hình với Việt Nam.
Nhận định về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung hạn, Báo cáo tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 6% trong năm nay. Tỷ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm. Nghèo cùng cực (mức 1,90 USD/ngày) sẽ giảm từ 2,8% năm 2012 xuống còn 1% năm 2017, trong khi tỷ lệ dân số sống dưới mức 3,10 USD/ngày sẽ giảm từ hơn 12% năm 2012 xuống còn gần 7% năm 2017.
Báo cáo cũng nhận định nền kinh tế phục hồi cùng với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định sẽ giúp tiếp tục giảm nghèo, nhưng nông nghiệp tăng trưởng chậm hơn nên sẽ ảnh hưởng tới thu nhập khu vực nông thôn và làm tăng khoảng cách thu nhập nông thôn-thành thị.
Báo cáo chỉ ra một số thách thức của Việt Nam như các rủi ro bên ngoài gồm có tăng trưởng chậm, các yếu tố bất ổn đã tác động mạnh tới Việt Nam do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại. Thêm vào đó, giá gạo và các nông sản khác giảm sẽ tác động tiêu cực lên thu nhập và tiêu dùng nông thôn.
Về phía các yếu tố trong nước, Việt Nam cần có một kế hoạch tốt nhằm củng cố tài khóa trung hạn và được thực hiện cùng với quá trình tái cơ cấu tổng thể nhằm củng cố tài chính cho doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng quốc doanh.
Cập nhật Báo cáo tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho thấy, Đông Á vẫn tiếp tục là khu vực tạo động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế thế giới, đóng góp gần 2/5 tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Xét về tổng thể, ước tính toàn khu vực sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, giảm một chút so với mức 6,8% năm ngoái.
Báo cáo đã nhấn mạnh hai vấn đề cần ưu tiên trong khu vực, quản lý kinh tế vĩ mô cẩn trọng nhằm đối phó với các vấn đề bên ngoài và trong lĩnh vực tài chính; tiếp tục cải cách theo chiều sâu, trong đó tập trung khuyến khích đầu tư tư nhân.
Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, cho biết tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương vẫn vững chắc, nhưng xu thế giảm nhẹ cho thấy các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần tiếp tục tập trung cải cách cơ cấu nhằm tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững, dài hạn và bao trùm.
Các biện pháp cải cách cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý tài chính, thị trường lao động và thị trường sản phẩm, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình. Những biện pháp như vậy sẽ tạo lòng tin cho các nhà đầu tư và thị trường, giúp duy trì tăng trưởng bền vững và giúp người dân thoát nghèo./.