Giá dầu được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp trong những năm tới với biến động đáng kể trên thị trường "vàng đen." Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 6/3.
Trong báo cáo có tựa đề "Sự lao dốc mạnh của giá dầu: Nguyên nhân, Hậu quả và Chính sách ứng phó," WB đã đưa ra một bức tranh toàn diện về thị trường vàng đen của giai đoạn tới, trong đó chỉ rõ nguyên nhân và hậu quả tài chính, kinh tế do sự sụt giảm của giá dầu.
Những yếu tố chính khiến "vàng đen" mất giá đến gần một nửa phải kể đến sự bành trướng nhanh chóng của các nguồn khai thác dầu không truyền thống, trong khi nhu cầu giảm và sự thay đổi đáng kể về chính sách của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Nhà kinh tế trưởng và Phó Tổng giám đốc WB Kaushik Basu dự báo đến giữa năm nay nền kinh tế thế giới sẽ được hưởng tác động tích cực từ việc giá dầu giảm, cho dù nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lại bị ảnh hưởng vì giá dầu xuống đến mức thấp sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư tại các quốc gia mới nổi xuất khẩu dầu mỏ và tạo ra biến động trong thị trường tài chính.
WB dự báo nguồn cung dầu mỏ với giá thấp tới 45% có thể tương ứng với mức tăng GDP toàn cầu từ 0,7% đến 0,8% cho đến giữa năm 2015 và khiến lạm phát toàn cầu giảm khoảng 1% trong ngắn hạn.
Đối với các nước nhập khẩu dầu mỏ, giá dầu giảm đồng nghĩa với việc chỉ số lạm phát giảm, giúp các ngân hàng trung ương "dễ thở" hơn và tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, những nước này lại có thể tiết kiệm khoản ngân sách, giúp lấp những lỗ hổng trong ngân sách tài chính.
Trái lại, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lại phải chịu áp lực điều chỉnh chi tiêu công hợp lý do nguồn thu từ "vàng đen" thiếu hụt, đồng thời cân bằng việc hỗ trợ phát triển kinh tế và việc kiểm soát lạm phát và sức ép tiền tệ.
Đối với Trung Quốc, khi mà dầu mỏ chiếm khoảng 18% nhu cầu tiêu thụ năng lượng, giá dầu chỉ giúp hoạt động kinh tế của nước này duy trì ở mức khiêm tốn từ 0,1% đến 0,2% . Bên cạnh đó, mức lạm phát của nền kinh tế cũng được dự báo giảm trong vài quý./.