Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 31/3 dự báo tăng trưởng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng lên 5,1% trong năm nay từ mức 3,5% của năm ngoái.
WB kêu gọi khu vực thực hiện các cải cách về cơ cấu, tài chính vĩ mô và liên quan đến khí hậu để giải quyết các vấn đề về tăng trưởng năng suất chậm lại và những tổn thương do đại dịch COVID19 gây ra, ngay cả khi khu vực đang phải đối mặt với những thách thức lớn của quá trình phi toàn cầu hóa, xã hội già hóa và biến đổi khí hậu.
Với nền kinh tế Thái Lan, báo cáo của WB dự báo nước này sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm nay từ mức 2,6% của năm ngoái, chủ yếu nhờ tiêu dùng trong nước, du lịch phục hồi và nhu cầu bị dồn nén ở Trung Quốc.
Báo cáo của WB dự kiến lượng khách du lịch đến Thái Lan sẽ tăng lên 27 triệu lượt trong năm nay, đạt 68% so với mức trước đại dịch COVID-19, đồng thời dự báo sẽ tăng tốc và vượt qua mức trước dịch bệnh vào năm 2024.
Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của WB, ông Aaditya Mattoo, nhận định xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan tính theo đồng USD năm nay sẽ giảm do tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Ông Mattoo cho biết mặc dù lạm phát của Thái Lan vẫn cao hơn mức mục tiêu, nhưng áp lực lạm phát đã giảm bớt. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về những thách thức trong nước như mức nợ hộ gia đình gia tăng, tốc độ già hóa nhanh, tích lũy vốn đầu tư thấp và khả năng cạnh tranh xuất khẩu giảm có thể hạn chế tiềm năng tăng trưởng của Thái Lan, đồng thời khuyến nghị cải cách sâu rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.
[Diễn đàn Bác Ngao dự báo châu Á tăng trưởng GDP 4,5% trong năm nay]
Trong khi đó, nhà kinh tế cấp cao của WB tại Thái Lan Kiatipong Ariyapruchya khuyến nghị Thái Lan phải tiếp tục mở cửa lĩnh vực dịch vụ, tăng đầu tư cho thích ứng khí hậu và tăng cường bảo trợ xã hội cho người già và người nghèo để đảm bảo phát triển bền vững.
Cũng theo báo cáo trên, nền kinh tế Malaysia được dự báo tăng trưởng với tốc độ vừa phải là 4,3% trong năm nay nhờ nhu cầu nội địa tăng trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài chậm lại.
Theo báo cáo, tăng trưởng tiêu dùng cá nhân của Malaysia được dự báo sẽ vẫn mạnh mẽ, mặc dù với tốc độ chậm hơn - ở mức 6,3% trong năm 2023 so với mức 11,3% của năm 2022. Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân được hỗ trợ bởi những cải thiện trong điều kiện thị trường lao động cũng như các biện pháp hỗ trợ thu nhập liên tục từ chính phủ.
Trong khi đó, đầu tư dự kiến sẽ tăng 4,4% trong năm nay, so với 6,8% của năm ngoái, phản ánh dòng vốn đầu tư tiếp tục chảy vào khu vực tư nhân và khu vực công. Mặt khác, lạm phát của Malaysia được dự báo sẽ ở mức vừa phải từ 2,5% đến 3% trong năm 2023, so với mức 3,3% của năm 2022, khi các hạn chế về nguồn cung toàn cầu giảm bớt và giá cả hàng hóa ổn định.
WB cho rằng là một nền kinh tế có độ mở cao, Malaysia sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro đáng kể phát sinh từ môi trường bên ngoài, trong đó có các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, suy thoái sâu hơn ở các nền kinh tế lớn... Về mặt trong nước, các nguồn rủi ro suy giảm chính liên quan đến sự không chắc chắn xung quanh lạm phát và mức nợ tương đối cao, có thể ảnh hưởng nặng nề hơn đến nhu cầu trong nước.
Trong tương lai, báo cáo cho biết các hộ gia đình nghèo và dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 có thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi, điều này càng củng cố nhu cầu về các chương trình bảo trợ xã hội có mục tiêu và hiệu quả ở Malaysia./.