Báo Khmer Times của Campuchia dẫn dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tăng trưởng kinh tế thực tế của Campuchia sẽ chậm lại ở mức khoảng 2,5% trong năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Sau khi liên tục đạt tăng trưởng kinh tế khoảng 7% trong mấy năm gần đây, báo cáo cập nhật tháng 4/2020 của WB về kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu đánh giá rằng dịch bệnh này đã làm các ngành kinh tế chủ chốt của Campuchia sụt giảm mạnh trong quý đầu năm 2020.
Theo WB, tăng trưởng thực của Campuchia dự kiến giảm xuống 2,5% năm 2020 trước khi hồi phục lên mức 5,9% năm 2021, do cú sốc toàn cầu chưa từng có vì đại dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến các trụ cột kinh tế của Campuchia như nông nghiệp, du lịch, dệt may và xây dựng.
Thêm vào đó, việc Liên minh châu Âu (EU) từ 12/8 tới rút một phần ưu đãi thuế qua trong thỏa thuận ưu đãi thương mại dành cho Campuchia dự kiến sẽ khiến ngân sách nước này thiệt hại khoảng 1,1 tỷ USD.
[ADB: Kinh tế Campuchia chịu thiệt hại hơn 390 triệu USD do COVID-19]
Theo kịch bản xấu nhất, kinh tế Campuchia có thể chỉ tăng trưởng 1% năm 2020 và 3,9% năm 2021.
Nguyên nhân tiềm ẩn gây chậm nhịp tăng trưởng là tác động lan tỏa đến lĩnh vực xây dựng và bất động sản - một trong những trụ cột đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư Trung Quốc - trong bối cảnh thị trường tài chính rối loạn.
Sang năm 2021, hoạt động kinh tế của Trung Quốc và các thị trường lớn trên thế giới được cải thiện dự kiến sẽ nâng đỡ kinh tế Campuchia.
Trong hai tháng đầu năm nay, lượng khách nước ngoài đến Campuchia giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2019, Campuchia đón 6,6 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 6,6% so với năm 2018, giúp ngành du lịch đạt doanh thu gần 5 tỷ USD, đóng góp 12% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Hiện tại, việc hạn chế qua lại biên giới và lo ngại lây nhiễm dịch bệnh khiến người dân trên khắp thế giới dành nhiều thời gian ở nhà hơn, thậm chí làm việc ở nhà.
Qua báo cáo này, WB khuyến nghị các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó có Campuchia, nên đầu tư vào hệ thống y tế và thực hiện các biện pháp tài khóa có mục tiêu như hỗ trợ tiền chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe để giảm thiểu tác động của dịch bệnh.
Theo WB, việc kiểm soát dịch sẽ cho phép khu vực này phục hồi ổn định, dù các rủi ro đến từ những căng thẳng trên thị trường tài chính vẫn lớn.
Cú sốc về tài chính mà dịch bệnh gây ra được cho là sẽ có tác động nghiêm trọng đến người nghèo, những người có thu nhập 5,5 USD/ngày. Theo kịch bản lạc quan nhất, số người thoát nghèo trong năm 2020 sẽ giảm gần 24 triệu. Nếu tình hình kinh tế xấu đi hơn nữa, số người nghèo có thể tăng khoảng 11 triệu người.
Cách đây một tuần, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo Campuchia sẽ thiệt hại hơn 390 triệu USD do tác động của dịch COVID-19 trong năm 2020 và trong số các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Campuchia là nước hứng chịu tác động nặng nề từ đại dịch này.
Theo ADB, với kịch bản tệ nhất, doanh thu của ngành du lịch Campuchia sẽ giảm 856,5 triệu USD, tương đương khoảng 3,5% GDP của nước này.
Trước đó, Chính phủ Campuchia đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay từ 6,5% xuống 6,1% do ảnh hưởng của dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và tình hình địa chính trị.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Campuchia (CPS) Chan Sophal cũng cho rằng tổn thất do dịch COVID-19 gây ra cho Campuchia có thể còn cao hơn con số của ADB dự báo và tình hình sẽ còn nhiều bất ổn./.