WB công bố gói viện trợ bổ sung trị giá 1,75 tỷ USD cho Ukraine

Số tiền 1,75 tỷ USD bao gồm khoản cho vay trị giá 500 triệu USD do Anh bảo lãnh, khoản viện trợ không hoàn lại 1,25 tỷ USD của Chính phủ Mỹ và khoản tài trợ 15 triệu USD của Chính phủ Phần Lan.
Những ngôi nhà bị phá hủy do xung đột tại Kramatorsk, Ukraine, ngày 14/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố gói viện trợ tài chính bổ sung trị giá 1,75 tỷ USD cho Ukraine.

Theo WB, số tiền trên bao gồm khoản cho vay trị giá 500 triệu USD do Vương quốc Anh bảo lãnh, khoản viện trợ không hoàn lại 1,25 tỷ USD của Chính phủ Mỹ và khoản tài trợ 15 triệu USD của Chính phủ Phần Lan.

Gói hỗ trợ mới nhằm giúp Ukraine duy trì khả năng cung cấp các dịch vụ quan trọng và các chức năng cơ bản của chính phủ ở nhiều cấp, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thanh toán lương hưu, các chương trình bảo trợ xã hội và tiền lương cho người lao động.

[Các nước phương Tây công bố gói hỗ trợ kinh tế mới cho Ukraine]

Giám đốc điều hành WB Anna Bjerde cho biết gói hỗ trợ này cần thiết để giúp Ukraine đáp ứng nhu cầu tài chính năm 2023.

Bà khẳng định WB cùng với các đối tác sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng tất cả các công cụ tài chính.

Cho đến nay, tổng viện trợ của WB dành cho Ukraine đã lên đến gần 35 tỷ USD.

Trước đó, ngày 21/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thông báo gói hỗ trợ kinh tế mới - 1,3 tỷ USD - cho Ukraine nhằm giúp quốc gia Đông Âu này tái thiết đất nước.

Ngoại trưởng Blinken đưa ra tuyên bố trên khi phát biểu tại Hội nghị Tái thiết Ukraine diễn ra tại London, Anh, với sự tham gia của hơn 1.000 quan chức ở cả khu vực công và tư nhân.

Theo ông, trong khoản viện trợ mới, 657 triệu USD sẽ được dùng để nâng cấp các tuyến đường sắt, cảng, cửa khẩu và cơ sở hạ tầng khác nhằm giúp Ukraine mở rộng thương mại với châu Âu.

Khoảng 520 triệu USD khác sẽ giúp Ukraine cải thiện mạng lưới năng lượng mà phần lớn đã bị phá hủy trong cuộc xung đột.

Số tiền còn lại, khoảng 100 triệu USD sẽ hỗ trợ Ukraine nâng cấp các dịch vụ hải quan, trong đó có việc chuyển đổi sang công nghệ kỹ thuật số nhằm cải thiện tính minh bạch trong thương mại.

Trước đó, kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine hồi tháng 2/2022, Mỹ đã cung cấp 63 tỷ USD cho Ukraine, trong đó khoảng 40 tỷ USD là hỗ trợ dưới dạng vũ khí và trợ giúp an ninh khác.

Cùng ngày 21/6, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nhất trí bổ sung 3,5 tỷ euro vào Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF), quỹ được dùng để viện trợ quân sự cho Ukraine trong bối cảnh liên minh này tiếp tục muốn hỗ trợ Kiev.

Thụy Điển, quốc gia đang đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên EU, cho biết việc bổ sung quỹ EPF đã được bật đèn xanh tại một hội nghị ở Brussels, Bỉ.

EPF được thành lập năm 2021 nhằm hỗ trợ các nước đối tác trên toàn cầu. 27 quốc gia thành viên EU đã tiêu tốn khoảng 5,5 tỷ euro trong quỹ này để hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.

Ban đầu, EU dự kiến ngân sách của EPF sẽ đạt 5 tỷ euro vào năm 2027. Tuy nhiên, mức trần này đã được tăng lên 1 lần, thêm 2 tỷ euro, vào tháng 12/2022. EU quyết định tiếp tục bổ sung 3,5 tỷ euro vào EPF.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Tái thiết Ukraine, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết nước này cần thêm hơn 6 tỷ USD trong 12 tháng tới để giúp tái thiết đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục