Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết tốc độ giảm nghèo của Mỹ Latinh và Caribe đã chậm lại kể từ năm 2012 và khu vực này tiếp tục tụt hậu trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản của các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh ngày 17/10, trong giai đoạn 2000-2014, tỷ lệ người cực nghèo (những người sống với thu nhập thấp hơn 2,5 USD/ngày) tại khu vực đã giảm từ 25,5% xuống 10,8%.
Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo từ năm 2012 tới nay đã chậm lại do tác động của suy giảm kinh tế.
Ngoài ra, Mỹ Latinh là một trong những khu vực có tỷ lệ bất bình đẳng nhất cao nhất thế giới.
Báo cáo của WB cũng chỉ ra rằng các chỉ số về tiếp cận Internet, nước sạch, vệ sinh của Mỹ Latinh vẫn ở mức rất thấp và phân phối không đồng đều, có sự khác biệt lớn giữa các vùng trong một quốc gia và giữa các quốc gia trong khu vực.
Mặc dù đã đạt thành quả trong việc phổ cập giáo dục tiểu học và dịch vụ điện, nhưng khu vực vẫn tụt hậu trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản như vệ sinh môi trường và nước sinh hoạt, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Những thành tựu giảm nghèo của khu vực hiện đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái kinh tế.
Mới đây, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) đã dự báo kinh tế của khu vực sẽ giảm 0,9% trong năm nay.
Bên cạnh đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra cảnh báo mức tăng trưởng kinh tế và tăng thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe là chưa đủ để giảm bất bình đẳng xã hội và đói nghèo.
Theo Báo cáo Phát triển Con người ở Mỹ Latinh và Caribe của UNDP, trong vòng 15 năm qua, hơn 72 triệu người tại khu vực đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo và 94 triệu người đã gia nhập tầng lớp trung lưu với tăng trưởng kinh tế và hội nhập xã hội cao.
Tuy nhiên, gần 30 triệu người đang đối diện nguy cơ tái nghèo và phần lớn là thanh niên và phụ nữ có việc làm bấp bênh trong ngành dịch vụ./.