WB cảnh báo tình hình tài chính của Palestine rất đáng lo ngại

Kinh tế Palestine không thể tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, có đến 30% người dân Palestine đang thất nghiệp và hơn nửa số thanh niên Palestine không có nghề nghiệp.
Người dân Palestine lấy nước uống tại trại tị nạn ở Rafah, miền nam Dải Gaza. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo cáo đặc biệt vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tình hình tài chính của Palestine rất đáng lo ngại, với chính quyền nước này cần phải cắt giảm chi tiêu và quỹ lương để kiểm soát tài chính.

Thêm vào đó, tình hình khủng hoảng năng lượng cũng có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế của Palestine.

Bản báo cáo dự kiến sẽ được trình bày trong một phiên họp của Ủy ban Liên Lạc đặc biệt sẽ diễn ra tại Brussels vào ngày 4/5 giữa lãnh đạo các nước để quyết định về việc hỗ trợ tài chính cho phát triển kinh tế của Palestine.

Báo cáo công bố ngày 26/4 của WB cũng cho hay chính quyền Palestin cần phải thay đổi cách quản l‎ý ngân sách, đồng thời nhấn mạnh hỗ trợ tài chính từ các nước cũng không đủ để làm giảm bớt khó khăn về kinh tế cho Palestine.

Theo bà Maria Wes, Giám đốc WB tại Bờ Tây và dải Gaza, kinh tế Palestine không thể tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Có đến 30% người dân Palestine đang thất nghiệp và hơn nửa số thanh niên Palestine không có nghề nghiệp.

Bà Maria cho rằng tất cả các bên cần nỗ lực tập trung tạo ra một sự thay đổi thực sự, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra hy vọng và cơ hội cho người dân Palestine, nhất là giới trẻ. Việc cần phải làm bây giờ là chính quyền Palestine cần phải cắt giảm chi tiêu vào tiền lương, quỹ lương hưu cũng như tăng thu nhập từ hệ thống thu thuế địa phương.

[Tổng thống Palestine tìm những bước đi "chưa từng có tiền lệ"]

Ngoài ra, chính quyền Palestine cần có hành động cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư và khả năng cạnh tranh, cũng như hỗ trợ các công ty mới tham gia thị trường.

Báo cáo cũng đề cập đến cuộc khủng hoảng năng lượng ở Palestine.

Theo các nhà kinh tế, việc không có khả năng đáp ứng nhu về cầu điện có thể dẫn đến một thảm họa về kinh tế ở Palestine. Do đó, việc huy động đầu tư từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng là rất cần thiết.

Tuy nhiên, việc đầu tư sẽ không được thực hiện hóa nếu chính quyền Palestine và Israel không tạo ra một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Hiện các nhà cung cấp điện tại Gaza chỉ có thể cung ứng khoảng 4 giờ đồng hồ mỗi ngày cho người dân. Kế hoạch cắt điện đã gây tổn hại cho các dịch vụ quan trọng và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo cho hai triệu người dân ở dải Gaza.

Nhà máy sản xuất điện tại đây đã buộc phải đóng cửa hôm 16/4 do nguồn cung năng lượng từ Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ bị cắt đứt. Việc nhà máy này ngừng hoạt động đã làm cho người dân chỉ còn được sử dụng khoảng 6 tiếng mỗi ngày so với 12 tiếng trước đây.

Do đó, chính quyền Palestine cần phải cải cách mạnh mẽ để đảm bảo thanh toán cho các nhà cung cấp điện nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục