WB cảnh báo các trụ cột kinh tế của Campuchia không ổn định

Theo WB, Campuchia phải thực hiện các biện pháp kinh tế vi mô thận trọng như hạn chế cho vay xây dựng, đầu tư bất động sản, thắt chặt tỷ suất vay/giá trị, ngoại trừ những người vay mua nhà lần đầu.
Thủ đô Phnom Penh của Campuchia. (Nguồn: VOD Archive)

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 14/4 đã cảnh báo lĩnh vực xây dựng-bất động sản, một trong những trụ cột kinh tế của Campuchia, đang ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế nước này.

Cùng với các yếu tố khác như dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khách du lịch giảm mạnh, sự sa sút của ngành bất động sản trong bối cảnh khó khăn về thị trường tài chính và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào đầu tư của Trung Quốc trong xây dựng và bất động sản đang góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng của Campuchia.

Về giải pháp, WB cho rằng Campuchia phải thực hiện các biện pháp kinh tế vi mô thận trọng như hạn chế cho vay xây dựng và đầu tư vào bất động sản, thắt chặt tỷ suất vay/giá trị, ngoại trừ những người vay mua nhà lần đầu tiên.

Liên quan tới lĩnh vực dệt may, một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Campuchia từ nhiều năm qua, Liên minh Hàng may mặc thương hiệu châu Âu (EBCA) vừa gửi đơn đề nghị Liên minh châu Âu (EU) hoãn rút Thỏa thuận ưu đãi thương mại Tất cả trừ vũ khí (EBA) đối với Campuchia.

Trong đơn gửi đến Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Chủ tịch EBCA Ignacio Sierra Armas nhấn mạnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tạo ra thách thức chưa từng có trong thế giới toàn cầu hóa.

Việc đóng cửa các cửa hàng bán lẻ quần áo trong khoảng thời gian không xác định ở nhiều nước đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, việc làm và tăng trưởng.

[ WB: Dịch bệnh COVID-19 khiến kinh tế của Campuchia sa sút]

Ông Sierra đề nghị 7 biện pháp hỗ trợ từ EU và các nước thành viên EU để đảm bảo sự chắc chắn và cho phép EBCA duy trì hỗ trợ lao động tại châu Âu cũng như tại các nước sản xuất.

Trong số các biện pháp được đề xuất có yêu cầu EU hoãn rút EBA đối với Campuchia vì tình huống đặc biệt và vì ngành công nghiệp toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước đó vào ngày 12/2 vừa qua, EC thông báo sẽ rút một phần EBA đối với Campuchia. Quyết định này dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 12/8 tới và những mặt hàng chịu ảnh hưởng sẽ là quần áo, giày dép, đồ lữ hành và đường - có trị giá khoảng 1,1 tỷ euro (gần 1,2 tỷ USD), tương đương 20% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Campuchia sang thị trường EU.

Hiệp hội Các nhà sản xuất Hàng may mặc Campuchia (GMAC) thừa nhận khoảng 60% số nhà máy tại nước này chịu ảnh hưởng nặng nề vì các hợp đồng xuất khẩu hàng may mặc bị hủy do đại dịch COVID-19.

Tổng Thư ký GMAC Ken Loo cho biết đa số các khách hàng mua hàng dệt may của Campuchia đã hủy hợp đồng với các nhà máy, trong đó có các hợp đồng từ Mỹ và EU - các thị trường tiêu thụ tương ứng 28% và 46% tổng lượng hàng dệt may xuất khẩu của Campuchia. Tuy nhiên, hiện GMAC chưa xác định rõ giá trị các hợp đồng bị hủy là bao nhiêu.

Theo tính toán của GMAC, khoảng 74% lao động trong ngành may mặc của Campuchia (tổng cộng khoảng 750.000 người) đang bị ảnh hưởng vì đối tác nước ngoài hủy hợp đồng.

Theo một báo cáo của Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Campuchia, trong năm 2019, xuất khẩu hàng may mặc và giày dép của nước này đạt khoảng 8,1 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục