WB: Các đối tác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững

VDPF là diễn đàn đối thoại chính sách cao cấp giữa Chính phủ và các đối tác phát triển về cải cách thể chế kinh tế thị trường và khu vực tư nhân để xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững.
WB: Các đối tác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững ảnh 1Quang cảnh tại Diễn đàn Đối tác Phát triển. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phát biểu tại Diễn đàn quan hệ Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 được tổ chức sáng 5/12 tại Hà Nội, bà Vitoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định: “Các đối tác phát triển sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế thông qua việc tư vấn chính sách, hỗ trợ vốn….”

Bà Kwakwa đánh giá năm nay là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững lạm phát ở mức một con số, tỷ giá hối đoái ổn định, xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, tạo vị thế vững chắc trong cán cân kinh tế đối ngoại. "Chúng tôi bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu ban đầu của quá trình phục hồi tăng trưởng trong nhiều ngành kinh tế," bà Kwakwa nhấn mạnh.

Bà Kwakwa cũng cho biết, năm đầu tiên khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp lại rơi đúng vào bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và hậu quả của nó lại “đại suy thoái.” Bối cảnh đó đòi hỏi tất cả các quốc gia, cả những quốc gia đã phát triển lẫn các nền kinh tế mới trỗi dậy như Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội.

Ngay từ đầu năm 2014, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Gần đây Quốc hội cũng thông qua việc sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng như Luật phá sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công… Đây là khởi điểm rất tốt cho việc xây dựng các biện pháp đổi mới thể chế tiếp theo.

Tuy nhiên, theo bà Kwakwa, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định trong 3 năm qua nhưng kết quả vẫn còn chưa chắc chắn và chúng ta cần tiếp tục củng cố sự ổn định vĩ mô dài hạn. Các chính sách và quy trình lập, duyệt kế hoạch hóa tài khóa và thực hiện chính sách tiền tệ và tỷ giá ũng phải vận động theo hướng minh bạch và nguyên tắc thị trường hơn. Bà Kwakwa đề xuất, cần xem xét tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước theo hướng một Ngân hàng Trung ương hiện đại. Đây là những vấn đề quan trọng trong lịch trình tăng cường năng lực cạnh tranh và hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam.

Đối với vấn đề khu vực kinh tế tư nhân, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, kinh tế tư nhân đã phải vật lộn với bao khó khăn thử thách trong vài năm qua. Một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Số còn lại chủ yếu nằm trong khu vực phi chính thức, quy mô rất nhỏ hoặc nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước đã không tận dụng được tác động lan tỏa từ các doanh nghiệp nước ngoài. Sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng manh mún và hạn chế. Không có quốc gia nào có thể phát triển nếu dựa hoàn toàn hoặc ỷ lại vào khu vực doanh nghiệp nước ngoài.

"Chính sách của Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn đến kinh tế tư nhân, một khu vực năng động, đúng hướng và đúng lúc. Cải cách thể chế cũng cần tập trung vào các ấn đề này và các thách thức khác kinh tế tư nhân đang phải đối mặt," bà Kwakwa nhấn mạnh.

Đối với vấn đề cải cách doanh nghiệp Nhà nước, bà Kwakwa khuyến nghị Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào chất lượng cổ phần hóa thay vì tập trung vào con số. Và, phải nâng cao tính minh bạch thông qua công bố thông tin thường kỳ với độ minh bạch cao.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần nâng cao tính mở rộng, hội nhập của các thể chế kinh tế. Cần giảm bớt những khả năng để có thể xảy ra tham nhũng.

Bà Kwakwa khẳng định: “Các đối tác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua việc tư vấn chính sách, hỗ trợ vốn… cho phát triển.”

Với tinh thần đó, bà Kwakwa đề nghị Diễn đàn khuyến khích các bên tham gia đối thoại thẳng thắn, thực chất, thay vì nói suông.

WB: Các đối tác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, cải cách thể chế kinh tế sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế, còn phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tự chủ.

Sau khi được Chính phủ khởi xướng, việc cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam đã bước đầu đặt được những nền tảng quan trọng đầu tiên, mà một trong số đó là đặt nền tảng pháp lý vững chắc cho quyền tự do kinh doanh của người dân qua việc sửa đổi Hiến pháp.

Đồng thời, để phát huy vai trò kiến tạo, Chính phủ tích cực thay đổi về điều kiện gia nhập thị trường và cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư thông qua sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Việc giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp qua cải cách thủ tục hành chính chuyên sâu theo từng ngành và lĩnh vực cụ thể, như đất đai, thuế, hải quan… cũng đã được thực hiện.

Năm nay là năm thứ hai Diễn đàn này được tổ chức, thay thế cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), nhưng VDPF đã được chứng minh là một diễn đàn đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển rất hiệu quả và thiết thực.

Sau VDPF năm 2013, hai bên đã thống nhất 22 hành động chính sách, bao gồm 81 hoạt động thành phần. Trong số này, đã hoàn thành 18 hoạt động, tiếp tục triển khai 57 hoạt động và đang chọn thực hiện tiếp 6 hành động.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những kết quả đạt được của việc triển khai các hành động chính sách VDPF 2013 là tích cực. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu và cần tiếp tục nỗ lực để thực hiện, các hành động còn cần thêm thời gian hoàn thành.

Mặc dù vậy, khẳng định từ Chính phủ Việt Nam, thì đây là cách tiếp cận cần được tiếp tục duy trì trong các kỳ VDPF tới để đảm bảo các kết quả đối thoại cấp cao sẽ đi vào cuộc sống và bằng các biện pháp, hành động chính sách cụ thể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục