Ngày 31/1, Tập đoàn Bán lẻ Walmart thông báo có kế hoạch xây dựng hoặc chuyển đổi hơn 150 cửa hàng theo quy mô lớn trong vòng 5 năm tới.
Phát ngôn viên của Walmart, ông Josh Havens cho biết một số địa điểm sẽ được mở rộng từ một địa điểm nhỏ thành một siêu trung tâm với đầy đủ các cửa hàng tạp hóa và hàng hóa, nhưng phần lớn sẽ là các cửa hàng mới.
Walmart từ chối không tiết lộ mức đầu tư cho các cửa hàng này và vị trí của chúng.
Walmart hiện có hơn 4.600 cửa hàng trên toàn quốc và gần 600 kho hàng của Sam’s Club.
Sam's Club cũng đang trong quá trình mở rộng, với kế hoạch mở hơn 30 cửa hàng mới ở Mỹ.
Walmart định hướng xây dựng Việt Nam thành Trung tâm cung ứng hàng hóa ở châu Á
Phó Chủ tịch điều hành, phụ trách bộ phận thu mua Tập đoàn Walmart cho biết chiến lược của đơn vị này là tập trung xây dựng Việt Nam trở thành Trung tâm cung ứng hàng hóa Khu vực châu Á.
Theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ, Walmart đã có sự hiện diện rộng lớn trên nước Mỹ nhưng “gã khổng lồ” bán lẻ này nhận thấy vẫn còn cơ hội để phát triển lớn hơn nữa.
Nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ này là nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất, với khoảng 1,6 triệu nhân viên.
Khoảng 90% dân số Mỹ sinh sống trong bán kính 10 dặm (tương đương 16km) của một cửa hàng Walmart.
Với việc mở rộng quy mô trên, Walmart đang báo hiệu rằng họ coi các cửa hàng truyền thống là một phần quan trọng của tương lai, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với những công ty thương mại trực tuyến như Amazon và Shein, cũng như sự thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến và thị trường bên thứ ba.
Walmart cũng đang phát triển dựa trên tiềm lực khá vững chắc của mình so với các nhà bán lẻ khác, vốn đã chịu ảnh hưởng lớn hơn từ việc người tiêu dùng Mỹ giảm việc mua hàng hóa tùy ý.
Là nhà bán lẻ lớn nhất nước tính theo doanh thu, Walmart đã vượt qua lạm phát tốt hơn và thậm chí còn thu hút nhiều hộ gia đình có thu nhập cao hơn đến các cửa hàng của mình.
Giá cổ phiếu của nhà bán lẻ này đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023 và ngày 30/1, Walmart đã công bố chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 3:1.
Trong một bài đăng trên trang web của công ty ngày 31/1, Giám đốc Điều hành Walmart Mỹ John Furner cho biết nhà bán lẻ này có kế hoạch khởi động 12 dự án cửa hàng mới trong năm nay và sẽ chuyển đổi một trong những địa điểm nhỏ hơn thành Siêu trung tâm Walmart.
Ông cho biết thêm việc mở hoặc mở rộng các cửa hàng không nằm trong kế hoạch cải tạo các cửa hàng khác của nhà bán lẻ này.
Ông Furner cho hay các cửa hàng mới sẽ cho thấy diện mạo hiện đại hơn của Walmart và việc này đang được triển khai rộng rãi hơn.
Thiết kế “cửa hàng của tương lai” sẽ có bố cục đẹp mắt hơn, làm nổi bật các thương hiệu quần áo thời trang của nhà bán lẻ, bổ sung công nghệ như mã QR có thể quét được và có bảng hiệu sắc nét hơn.
Ông cho biết các cửa hàng mới cũng sẽ có nhiều tính năng bền vững hơn, chẳng hạn như hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng.
Trước đó, theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 17/1, doanh số bán lẻ của nước này đã tăng vượt kỳ vọng trong tháng 12/2023, khiến các nhà kinh tế nâng cao ước tính tăng trưởng kinh tế trong quý 4.
Doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 0,6% trong tháng 12/2023, sau khi tăng 0,3% tháng 11, cao hơn mức dự báo tăng 0,4% được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đưa ra trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán lẻ đã tăng 5,6% trong tháng 12/2023.
Doanh số bán hàng trực tuyến tăng 1,5%, trong khi doanh thu tại các đại lý ôtô và phụ tùng tăng 1,1%. Doanh thu bán quần áo cũng tăng 1,5%.
Doanh số bán hàng tại các cửa hàng vật liệu xây dựng và thiết bị làm vườn tăng 0,4%, trong khi doanh thu tại các cửa hàng bán đồ thể thao, giải trí, nhạc cụ và sách tăng 0,3%.
Doanh số bán hàng tại các cửa hàng dịch vụ ăn uống, thành phần dịch vụ duy nhất trong báo cáo, không thay đổi, sau khi tăng 1,7% trong tháng 11.
Trong khi đó, doanh số bán hàng tại các cửa hàng điện tử và thiết bị cũng như tại doanh thu của các cửa hàng đồ nội thất đều giảm. Doanh thu từ các trạm xăng giảm 1,3% do giá xăng giảm.
Loại trừ các thành phần ôtô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ thực phẩm, doanh số bán lẻ cốt lõi, thước đo liên quan chặt chẽ với chi tiêu tiêu dùng, tăng 0,8% trong tháng 12/2023.
Doanh số bán lẻ cốt lõi trong tháng 11 cũng được điều chỉnh cao hơn với mức tăng 0,5%, thay vì 0,4% như báo cáo trước đó.
Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, chi tiêu dùng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2024.
Báo cáo của Bộ Lao động công bố mới đây cho thấy trong 3 tháng cuối năm 2023 nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 2%/năm nhờ tăng trưởng trong chi tiêu hộ gia đình đạt mức 2,5%. Đây là mức tăng trưởng và chi tiêu mạnh hơn tất cả các dự báo trước đó.
Theo dự báo của các nhà kinh tế thì chi tiêu dùng sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2024.
Một năm tăng trưởng vững chắc nữa có thể sẽ giúp nền kinh tế hạ cánh mềm, và các hành động chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa lạm phát về mục tiêu 2% mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Triển vọng này sẽ giúp nền kinh tế đi đúng hướng và phát triển hơn nữa ngay cả khi nền kinh tế không nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn tăng trưởng khác như đầu tư kinh doanh, xây dựng nhà ở hoặc ngoại thương.
Trong khi lạm phát giảm đang bắt đầu có kết quả, sức mạnh của thị trường lao động cũng sẽ là một yếu tố quan trọng trong triển vọng lấy người tiêu dùng làm trung tâm cho năm 2024.
Số đơn xin bảo hiểm thất nghiệp hàng tuần vẫn ở mức thấp, cho thấy các công ty đang giữ chân nhân viên. Nhưng việc tuyển dụng đã chậm lại.
Đầu tư của doanh nghiệp có thể vẫn trầm lắng do các doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt lo ngại trong bối cảnh tăng trưởng nước ngoài yếu, sự không chắc chắn trước cuộc bầu cử tháng 11 và các câu hỏi về tính bền vững của nhu cầu trong nước.
Mặc dù vậy, những dấu hiệu ban đầu của các báo cáo mới nhất cho thấy người tiêu dùng vẫn rất kiên cường.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế thì sự kết hợp giữa chi tiêu hộ gia đình và chi tiêu chính phủ sẽ tiếp tục bù đắp cho những số liệu đầu tư mờ nhạt./.