Cơ quan Phòng chống doping toàn cầu (WADA) ngày 23/2 khuyến cáo nên tiêm vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho các vận động viên, qua đó xua đi những lo ngại rằng vắcxin ngừa COVID-19 có thể chứa các thành phần bị cấm khi thi đấu thể thao.
Trấn an các vận động viên đang lo ngại rằng vắcxin có thể dẫn tới kết quả xét nghiệm doping dương tính tại Thế vận hội mùa Hè Tokyo sắp tới, WADA kêu gọi các vận động viên nên đi tiêm phòng "vì sức khỏe của chính mình, của những người xung quanh và vì tất cả."
Trong một tài liệu hỏi đáp dành cho các vận động viên liên quan đến chống doping và COVID-19, WADA khẳng định: "Các loại vắcxins ngừa COVID-19 không chứa các thành phần hoặc hóa chất trong danh sách bị cấm hoặc cản trở quá trình phân tích chống doping."
WADA cũng cho biết thêm rằng sẽ tiếp tục giám sát tất cả các thông tin có được và khuyến cáo các vận động viên trong trường hợp có thay đổi quan điểm.
[Trung Quốc viện trợ vắcxin phòng COVID-19 cho các nước châu Phi]
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), đơn vị tổ chức Thế vận hội, cho biết các vận động viên sẽ không bắt buộc phải tiêm vắcxin ngừa COVID-19, nhưng nên tiêm phòng để "thể hiện tình đoàn kết."
Nhật báo The Telegraph của Anh tháng trước đưa tin IOC đang làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để có thể tiêm phòng cho tất cả các vận động viên nhằm đảm bảo an toàn cho Thế vận hội Tokyo.
Hiện các vận động viên đang phải cân nhắc một số điều, trong đó có tác động của luyện tập đối với hiệu quả của vắcxin, các tác dụng phụ của vắcxin và khuyến cáo về thời gian tiêm phòng.
Về việc này, WADA cho biết: "Việc tiêm phòng có thể gây ra những phản ứng sinh lý tạm thời kèm theo các triệu chứng (tấy, đau ở chỗ tiêm) nhưng không có bằng chứng nào cho thấy các vắcxin đã được phê chuẩn có thể làm giảm phong độ thi đấu của các vận động viên."
WADA cũng ghi nhận rằng có một số bằng chứng cho thấy COVID-19 còn gây nhiều vấn đề kéo dài ở một số người nhiễm, kể cả người trẻ./.