9,5 tỷ USD là số tiền bồi thường mà Tập đoàn xe hơi Volkswagen (VW) Đức phải chi ra để dàn xếp các vụ kiện tại Mỹ liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải.
Đây là con số thống kê do Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) công bố ngày 27/7.
Trong báo cáo cuối cùng liên quan đến cái gọi là "chương trình bồi thường cho khách hàng lớn nhất trong lịch sử Mỹ," FTC cho biết hơn 86% trong số người hoàn tất quá trình kiện tụng với VW, đã lựa chọn phương án trả lại ôtô cho nhà sản xuất này, hơn là việc gửi đi sửa chữa.
[Volkswagen đối mặt với nguy cơ bị kiện trên toàn EU]
Trước đó, VW đã nhất trí với yêu cầu mua lại hoặc sửa chữa hơn 500.000 xe sử dụng phần mềm gian lận khí thải tại Mỹ sau khi sự việc bị phát giác hồi năm 2015.
Bên cạnh đó, nhà cung cấp xe VW sử dụng động cơ diesel, Robert Bosch, cũng phải bồi thường hơn 300 triệu USD cho những người bị ảnh hưởng.
Theo thỏa thuận, mỗi chủ xe sử dụng động cơ diesel 2 lít bị ảnh hưởng sẽ được nhận khoản tiền bồi thường từ 5.100 USD đến 10.000 USD bên cạnh khoản tiền ước tính giá trị của chiếc xe đó. Có khoảng 475.000 người sẽ được nhận tiền bồi thường.
Vụ bê bối có tên "Dieselgate" bị phát giác hồi năm 2015 khi Đại học Tây Virginia (Mỹ) công bố báo cáo đề cập lượng khí thải cao từ một số xe của VW.
Sau thông tin này, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã mở cuộc điều tra và phát hiện VW cài đặt phần mềm gian lận lượng khí thải với khoảng 11 triệu xe chạy bằng động cơ diesel của hãng nhằm giúp các xe này vượt qua các cuộc kiểm tra tiêu chuẩn khí thải.
Vụ bê bối đã dẫn đến cuộc khủng hoảng đối với toàn bộ ngành công nghiệp ôtô sau khi việc gian lận cũng được phát hiện tại một số công ty khác.
Để tránh một vụ kiện tập thể, VW đồng ý bồi thường thiệt hại cho 235.000 chủ sở hữu xe hơi ở Đức, với số tiền ước tính lên tới 830 triệu euro.
Tính đến nay, nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới đã phải chi hơn 30 tỷ euro (34 tỷ USD) để giải quyết vụ bê bối ở Mỹ và các quốc gia khác./.