Tết ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) dường như đến sớm hơn trong đất liền. Những con tàu vượt sóng vượt gió chở quà Tết, mang theo tình cảm của người dân đất liền đến với quân dân trên đảo.
Những chuyến xe từ mọi miền Tổ quốc khẩn trương vận chuyển hàng hóa tập kết ở quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để đưa lên tàu. Trong số hàng hóa đó, không thể thiếu những chậu quất, chậu mai. Đó là hương vị Tết mà đồng bào mọi miền Tổ quốc gửi gắm qua chuyến công tác đầu năm 2018 của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tới quân và dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đã xây dựng kế hoạch bảo đảm các mặt hàng cho bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất theo tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Các mặt hàng gửi ra đảo đều mang hương vị Tết cổ truyền của dân tộc, thể hiện sự quan tâm của đồng bào cả nước với Trường Sa, là nguồn động viên to lớn giúp cán bộ, chiến sỹ vượt qua khó khăn, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.
Đá Đông C là đảo đầu tiên tàu chở hàng cập bến trong niềm hân hoan của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Năm 2017, cán bộ, chiến sỹ của đảo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, trực, tuần tra, sẵn sàng chiến đấu; thực hiện tốt công tác dân vận, nghĩa tình đồng đội, quân dân. Đặc biệt, cán bộ, chiến sỹ của đảo đã cứu chữa thành công hàng trăm ngư dân gặp nạn trên biển.
Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ trưởng Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) đã giao nhiệm vụ và chúc cán bộ, chiến sỹ trên đảo đón Tết Nguyên đán 2018 vui vẻ, đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Trong hải trình này, do thời tiết bất lợi, mưa kéo dài nên sau hai ngày neo đậu, chờ đợi cách đảo Trường Sa Đông khoảng 1km, đoàn công tác mới vào được đảo. Dù trời liên tục mưa, sóng cao, các cán bộ chiến sỹ của tàu KN 490 và đảo Trường Sa Đông rất vui vẻ vận chuyển hàng hóa. Các chiến sỹ hái lá bàng vuông kết hợp cùng với lá dong được gửi ra từ đất liền để gói bánh chưng. Nhiều chiến sĩ trẻ háo hức muốn được tự tay mình gói bánh chưng bằng lá bàng vuông - “đặc trưng” của Trường Sa.
Tết đầu tiên xa nhà, Tết đầu tiên ở Trường Sa với những lính trẻ rất nhiều cảm xúc. Chiến sỹ Đặng Đỗ Đạt (quê Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định) biên chế ra đảo Trường Sa, thị trấn Trường Sa chia sẻ: "Là người con của quê hương vua Quang Trung nên khi nhận nhiệm vụ ra Trường Sa tôi thấy rất vinh dự. Tôi sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, không ngại gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ."
Chiến sỹ Đinh Văn Chức, quê ở Phú Xuyên (Hà Nội) đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ và được huấn luyện tại quân cảng Cam Ranh, vùng 4 Hải Quân một năm. Khi biết mình được phân công ra đảo Trường Sa, Chức rất vui. Nhận nhiệm vụ ở Trường Sa là vinh dự không phải ai cũng có. Lần đầu tiên đón Tết xa nhà, Chức rất xúc động. Tết trên đảo cũng có hoa, bánh chưng và các món ăn ngày Tết. Chức mong ba mẹ an tâm vui xuân, đón Tết, Chức và đồng đội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, sớm đoàn tụ với gia đình.
Thiếu tá Trần Văn Lĩnh (quê Hà Tĩnh), Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây đã có hơn 20 năm gắn bó với Trường Sa tâm sự, đây là lần thứ tư anh đón Tết ở quần đảo Trường Sa. Mâm cỗ lính đảo cũng đủ hương vị Tết cổ truyền với bánh chưng xanh, gà cúng Giao thừa, câu đối đỏ. Nếu không có những cành đào, cành mai mang ra từ đất liền làm khung, lính đảo sẽ chọn những cành phong ba, phi lao hay mù u đẹp rồi gắn lên đó những bông mai, bông đào bằng giấy cho không khí ấm cúng. Đời sống của bộ đội được nâng lên nhiều, vì thế Tết đến đầy đủ hơn, hàng Tết phong phú hơn.
Những con tàu ra Trường Sa vào dịp cuối năm khiến đất liền và đảo không còn xa. Mùa Xuân đã về trên quần đảo Trường Sa./.