Vượt qua mặc cảm lỗi lầm trong quá khứ, anh Nguyễn Ngọc Du, sinh năm 1964 ở thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh sau khi ra tù trở về địa phương đã quyết tâm làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện.
Anh Nguyễn Ngọc Du sinh ra trong một gia đình có nghề truyền thống làm gỗ mỹ nghệ, anh mong muốn làm giàu bằng nghề truyền thống của cha ông, mạnh dạn đưa các sản phẩm của mình ra tiêu thụ ở nước ngoài. Tuy nhiên, không lường trước được sự khắc nghiệt của thương trường, lại dễ tin người, anh đã tham gia vào đường dây lấy tiền giả về lưu hành.
Bị kết án 20 năm tù giam về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả”, năm 1995, Nguyễn Ngọc Du thụ án tại trại Tân Lập (thuộc xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ). Những ngày mới vào trại, anh tự ti, mặc cảm và có phần tuyệt vọng. Được sự quan tâm của gia đình và người thân, đặc biệt là những cán bộ quản giáo, anh đã thay đổi suy nghĩ, tích cực tham gia lao động sản xuất, cố gắng cải tạo tốt để sớm có cơ hội “làm lại” cuộc đời.
Với tay nghề sẵn có, anh được phân công đào dạy nghề cho các anh em có cùng hoàn cảnh tại trại giam để khi trở về địa phương có việc làm, giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Cũng tại đây, anh Du động viên anh em vượt qua tội lỗi, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy trại giam.
Với những nỗ lực trong thời gian cải tạo, anh Du nhiều lần được giảm án và tạo điều kiện cho gặp vợ con thường xuyên hơn. Nhờ vậy, anh Du càng quyết tâm cải tạo tốt để được ra tù sớm, bù đắp những thiệt thòi, vất vả của gia đình anh trong thời gian qua. Ngày 2/9/2006, anh Du được Chủ tịch nước đặc xá nhân dịp Quốc khánh, trở về trước thời hạn 9 năm. Nhớ lại ngày trở về với gia đình, anh Du cho biết: “Tôi rất mừng vì được gặp lại vợ con, người thân nhưng cũng lo ngại vì mọi người xa lánh, dị nghị. Thêm vào đó, hoàn cảnh kinh tế của gia đình lúc bấy giờ cũng eo hẹp, nhà cửa xuống cấp, nợ nần chồng chất. Được động viên kịp thời từ gia đình, bạn bè và được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện, tôi quyết tâm vươn lên làm kinh tế từ hai bàn tay trắng.”
Năm 2009, được Ngân hàng Quân đội chi nhánh Từ Sơn cho vay 150 triệu đồng làm vốn, anh Du mở xưởng pha hàng gỗ sản xuất nội địa và xuất khẩu. Với kinh nghiệm làm nghề sẵn có, cơ sở sản xuất của anh đã có gần trăm loại máy móc khác nhau, đảm bảo sản phẩm đồ gỗ làm ra có chất lượng tốt và mẫu mã đẹp. Dần dần, anh Du đã trả hết nợ ngân hàng, có vốn mở rộng sản xuất kinh tế, anh đầu tư thuê xưởng 800m2 để làm nghề. Mỗi tháng, xưởng sản xuất đồ gỗ của anh xuất đi hàng trăm đơn hàng, doanh thu gia đình đạt vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Cũng tại xưởng gỗ này, anh Du đã dạy nghề cho hàng trăm lao động, đồng thời tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động trong vùng, với mức lương trung bình từ 8 đến 15 triệu đồng/tháng/người. Năm 2014, anh Du vinh dự nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì đã có nhiều thành tích trong tổ chức và thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù” cùng nhiều Giấy khen của địa phương.
Không chỉ sản xuất kinh doanh gỗ hiệu quả, vợ chồng anh Du còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, ủng hộ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2013, anh Du cùng với nhà chùa thôn Phú Lộc (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội) đi từ thiện ở hai huyện Mèo Vạc và Đồng Văn, tỉnh Hà Giang trao 700 suất quà, mỗi xuất quà trị giá 500.000 đồng cho người dân nơi đây. Đến năm 2014, anh Du cùng nhóm từ thiện đã đến xã Thạch Sơn, xã Lê Viễn (thuộc huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) trao tặng quần áo, giày dép và gạo cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, vào năm 2015, gia đình anh Du đã đến huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, trực tiếp đóng góp 80 triệu đồng để xây trường học cho các cháu học sinh miền núi. Anh cùng nhóm từ thiện đã kéo đường điện cho nhà trường và bản làng, trao quà cho các em học sinh nghèo với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng. Không chỉ vậy, trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm, anh Du cùng chùa Vinh Phúc (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) tặng hàng trăm phần quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn thuộc trại phong, hội người mù, hội người khuyết tật của tỉnh.
Anh Du chia sẻ: “Trong lúc gia đình khó khăn, tôi đã nhận được tình cảm, sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và cộng đồng nên ngay sau khi về địa phương, tôi tự nhủ phải tích cực tham gia các hoạt động từ thiện để chia sẻ những khó khăn với những “chiếc lá chưa lành.” Đặc xá cho phạm nhân cải tạo lao động tốt là một trong những chủ trương nhân văn của nhà nước, là cơ hội cho tôi được chuộc lại lỗi lầm, làm lại cuộc đời.”
Ông Nguyễn Văn Sửu, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Anh Nguyễn Ngọc Du sau khi trở về địa phương đã vượt lên mặc cảm quá khứ, vươn lên làm kinh tế chân chính, từng bước tái hòa nhập cộng đồng. Hiện tại, anh Du không chỉ phát triển sản xuất kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho lao động trong vùng mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn”./.