Mạng tin Indiawrites.org cho biết sau một năm công bố các dự án khổng lồ trong lĩnh vưc than, dầu khí và năng lượng tái tạo, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đầu tư thu hút được lên tới 63 tỷ USD.
Theo một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu FDI thuộc The Financial Times, Ấn Độ lần đầu tiên trở thành nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI trong năm 2015, vượt qua Mỹ (với 59,6 tỷ USD) và Trung Quốc (56,6 tỷ USD).
Các công ty xác định tiềm năng phát triển thị trường trong nước và quan hệ gần gũi với các thị trường khác là hai lý do chính để đầu tư ở Ấn Độ và Trung Quốc.
Tại Ấn Độ, bang Gujarat nổi lên như một “đầu tàu” về thu hút FDI với khoảng 12,4 tỷ USD vốn đầu tư trong năm 2015 và tiếp theo là bang Maharashtra với 8,3 tỷ USD FDI.
Mới đây, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ thông báo chỉ trong thời gian từ tháng 4/2015 đến tháng 2/2016, FDI vào Ấn Độ đạt 42 tỷ USD, tăng 27,45% so với cùng kỳ tài khóa trước đó.
Trong khi đó, với việc Ấn Độ được đánh giá là “một trong số các câu chuyện tăng trưởng hàng đầu của thế kỷ 21," Mỹ đang tìm cách thúc đẩy ký Hiệp định đầu tư song phương (BIT) với Ấn Độ trước chuyến thăm dự kiến của Thủ tướng Narendra Modi tới Washington trong các ngày 7-8/6 tới.
Phát biểu trong chuyến thăm New Delhi mới đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Nam Á và Trung Á, Nisha Biswal cho biết các công ty Mỹ có thể tăng gấp đôi đầu tư FDI vào Ấn Độ nếu Chính phủ Ấn Độ tiếp tục tự do hóa cơ chế đầu tư.
Ấn Độ và Mỹ có kế hoạch nâng kim ngạch thương mại song phương từ 100 tỷ USD lên 500 tỷ USD trong vài năm tới.
Theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Ấn, các công ty Mỹ đã đầu tư hơn 15 tỷ USD vào Ấn Độ trong hai năm qua và dự kiến trong hai năm tới sẽ có nhiều thỏa thuận hợp tác đầu tư được ký kết giữa đôi bên với giá trị hơn 27 tỷ USD./.