Ngay từ sáng sớm (1/10/2010), khu vực Hồ Hoàn Kiếm đã đông nghịt người tới tham gia khai mạc Đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.
Hàng nghìn người dân từ các tỉnh, thành trong cả nước nô nức kéo về, không khí sôi nổi, hào hứng lan tỏa ra khắp cộng đồng. Ai ai cũng rạng rỡ, hồ hở, mặc dù không quen biết nhưng những người dân tới tham dự sẵn sàng trao cho nhau những nụ cười thân thiết.
Mặc dù, không khí chuẩn bị Đại lễ đã có từ cả tháng nay, nhưng ngày khai mạc là ngày thường, vì vậy hầu hết dân chúng trong thành phố vẫn tiếp tục tới công sở làm việc. Tuy nhiên đối với những người dân ở xa Hà Nội, lễ hội nghìn năm là dịp trọng đại và là cơ hội để họ có thêm quyết tâm về thăm Thủ Đô.
Không quản ngại khó khăn
Háo hức ngày khai mạc, bác Nguyễn Hải Châu, quê Quảng Trị đã không quản ngại đường xa, cùng vợ ra Thủ đô bằng xe máy. Chuyến đi được khởi hành từ ngày 23/8.
Bác Châu niềm nở chia sẻ: “Tôi muốn đi xe máy để có thể dừng lại ở bất cứ điểm nào trên hành trình, đồng thời khi ra Hà Nội có thể đi được nhiều nơi nhất có thể”.
Đầu đội băng rôn đỏ với dòng chữ: “1.000 năm Thăng Long–Hà Nội”, tay phấp phới hai lá cờ Đại lễ, hớn hở đi giữa dòng người náo nức bên bờ Hồ Gươm, nhìn bác Châu trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi ngoại ngũ tuần của mình.
“Thủ đô hôm nay rất đẹp, rất hoành tráng, không khí sôi động. Tôi thấy lòng mình phơi phới như thuở hai mươi khi nghe lại bài hát Hà Nội – Niềm tin và hy vọng. Bài hát đó đã hâm nóng bầu nhiệt huyết của chúng tôi, một thời trai trẻ xông pha nơi chiến trận,” bác Châu hồ hởi nói.
Hơi khác với bác Châu, nhưng hai chị Lý Thị Nga và Dương Thị Ánh ở Văn Giang, Hưng Yên có mặt tại lễ hội với lý do thực hiện đi tiền trạm, hỏi về các chương trình trong dịp Đại lễ, tìm hiểu đường đi nước bước ăn ở tại Hà Nội cho một nhóm các gia đình trong cùng làng.
Ra Hà Nội từ tối hôm qua, vì chưa nắm được các địa điểm tổ chức lễ hội, cũng như các phương tiện giao thông đi lại, sáng nay 7h00 hai chị cùng đứa cháu ba tuổi quyết định đi bộ từ Láng Hạ (nơi ở nhờ nhà người quen) lên Bờ Hồ, lên đến nơi thì đã hơn 9 giờ 30 sáng.
“Vừa đi chúng tôi phải hỏi thăm đường, lên đến đây chương trình khai mạc đã kết thúc, tiếc quá,” chị Nga tần ngần nói.
Chị Ánh thì lạc quan hơn: “Chúng tôi đã hỏi một số người về chương trình của ngày 10/10 rồi, quan trọng nhất vẫn là việc đấy. Hôm đó, 10 gia đình chúng tôi sẽ bố trí công việc, quyết tâm đưa cả vợ chồng, con cái lên đây tham dự.”
Anh Trần Trung Kiên, một lái xe ở huyện Trường Yên, tỉnh Ninh Bình đến với Đại lễ vì một lý do tình cờ. Hôm nay là ngày chở hàng lên Hà Nội, do cấm đường, không vào được nội thành, anh tranh thủ gửi xe vào Hồ Gươm chơi. Anh Kiên ngạc nhiên trước không khí náo nức ở đây: “Hà Nội đẹp và vui quá! Chắc chắn mấy hôm nữa, tôi phải thu xếp đưa vợ và các con đi đón mừng nghìn năm Thăng Long thôi,” anh Kiên khẳng định.
Người xưa, cảnh cũ… lại về
Giữa dòng người ngược xuôi, phóng viên chúng tôi bất ngờ bắt gặp hình ảnh hai cụ bà ngồi bần thần bên bờ cỏ gần cửa Đền Ngọc Sơn.
Đó là hai chị em gái, cụ bà Nguyễn Thị Hồi và Nguyễn Thị Tiếp, đều ngoài 70 tuổi. Các cụ cho biết, vốn được sinh ra và có tuổi thơ gắn liền với Hà Nội nên đối với các cụ, Thủ đô là những hoài niệm không bao giờ nhạt phai.
“Nhất định chúng tôi phải về Hà Nội, đây là dịp 1.000 năm mới có một lần. Chúng tôi đã bàn bạc tham dự lễ hội từ hơn một tháng nay và dành dụm được một khoản tiền cho chuyến đi này. Để đảm bảo sức khỏe, chúng tôi đã bắt xe buýt từ Hải Dương lên Hà Nội trước hai ngày diễn ra lễ khai mạc, ” cụ Hồi nói.
Cụ Tiếp thì dưng dưng nước mắt kể: “Hồi nhỏ nhà chúng tôi ở ngay gần Đền Bà Kiệu, 59 phố Đinh Tiên Hoàng. Khi đó, còn là những đứa trẻ học cấp I, chúng tôi thường cùng các cô bạn Nhung ở phố Nhà Thờ, Cổ Bích ở Tràng Tiền… trèo lên Tháp Bút học bài và chơi đùa. Giờ ai cũng đều trên 70 tuổi cả rồi, không biết ai còn, ai mất.”
Đối với cụ Hồi, Hà Nội không chỉ là dấu ấn tuổi thơ, mà trong cụ còn lưu giữ một kỷ niệm đặc biệt: “Năm 1954, tôi mới là học sinh lớp 2 tại trường Nguyễn Du. Hồi đó, trẻ con chúng tôi sợ thầy cô giáo lắm, lúc nào cũng răm rắp thực hiện mọi nội quy, kỷ luật. Nhưng hôm đó, đang trong giờ học, thấy có hai ôtô chạy vào sân trường, nhìn ra thấy cụ già trông quen quen, quay lại nhìn lên bảng, tôi ngỡ ngàng reo lên 'Bác Hồ!' Không còn nhớ đang trong giờ học, tất cả chúng tôi ùa ra đón Bác.”
Rồi một lần nữa, sau một vài ngày bà Hồi sinh hạ cô con gái thứ ba, đó là một buổi sáng mùa thu năm 1969, đang ngồi ăn sáng bà nghe tin Bác mất, bát cơm rơi khỏi tay, bà bỏ cơm mấy bữa mặc dù vẫn biết phụ nữ mới sinh cần phải ăn nhiều mới có sữa nuôi con.
Những người dân Việt Nam đang hướng về Thăng Long–Hà Nội như tìm về cội nguồn. Đối với mỗi người, Đại lễ nghìn năm không chỉ là một lễ hội mà còn là dấu ấn, là khoảnh khắc lịch sử kết nối tình yêu, nỗi nhớ, tự hào dân tộc, xâu chuỗi đi từ trong quá khứ đến hiện tại và hướng đến cả tương lai.
“Hà Nội đổi thay quá nhiều, đẹp quá rực rỡ quá! Nhưng đối với tôi, Hà Nội luôn là hình ảnh tuổi thơ, cha mẹ và cả Tháp Rùa, Hồ Gươm,” cụ Tiếp vừa chầm chậm lau giọt nước mắt lăn trên gò má vừa nói./.
Hàng nghìn người dân từ các tỉnh, thành trong cả nước nô nức kéo về, không khí sôi nổi, hào hứng lan tỏa ra khắp cộng đồng. Ai ai cũng rạng rỡ, hồ hở, mặc dù không quen biết nhưng những người dân tới tham dự sẵn sàng trao cho nhau những nụ cười thân thiết.
Mặc dù, không khí chuẩn bị Đại lễ đã có từ cả tháng nay, nhưng ngày khai mạc là ngày thường, vì vậy hầu hết dân chúng trong thành phố vẫn tiếp tục tới công sở làm việc. Tuy nhiên đối với những người dân ở xa Hà Nội, lễ hội nghìn năm là dịp trọng đại và là cơ hội để họ có thêm quyết tâm về thăm Thủ Đô.
Không quản ngại khó khăn
Háo hức ngày khai mạc, bác Nguyễn Hải Châu, quê Quảng Trị đã không quản ngại đường xa, cùng vợ ra Thủ đô bằng xe máy. Chuyến đi được khởi hành từ ngày 23/8.
Bác Châu niềm nở chia sẻ: “Tôi muốn đi xe máy để có thể dừng lại ở bất cứ điểm nào trên hành trình, đồng thời khi ra Hà Nội có thể đi được nhiều nơi nhất có thể”.
Đầu đội băng rôn đỏ với dòng chữ: “1.000 năm Thăng Long–Hà Nội”, tay phấp phới hai lá cờ Đại lễ, hớn hở đi giữa dòng người náo nức bên bờ Hồ Gươm, nhìn bác Châu trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi ngoại ngũ tuần của mình.
“Thủ đô hôm nay rất đẹp, rất hoành tráng, không khí sôi động. Tôi thấy lòng mình phơi phới như thuở hai mươi khi nghe lại bài hát Hà Nội – Niềm tin và hy vọng. Bài hát đó đã hâm nóng bầu nhiệt huyết của chúng tôi, một thời trai trẻ xông pha nơi chiến trận,” bác Châu hồ hởi nói.
Hơi khác với bác Châu, nhưng hai chị Lý Thị Nga và Dương Thị Ánh ở Văn Giang, Hưng Yên có mặt tại lễ hội với lý do thực hiện đi tiền trạm, hỏi về các chương trình trong dịp Đại lễ, tìm hiểu đường đi nước bước ăn ở tại Hà Nội cho một nhóm các gia đình trong cùng làng.
Ra Hà Nội từ tối hôm qua, vì chưa nắm được các địa điểm tổ chức lễ hội, cũng như các phương tiện giao thông đi lại, sáng nay 7h00 hai chị cùng đứa cháu ba tuổi quyết định đi bộ từ Láng Hạ (nơi ở nhờ nhà người quen) lên Bờ Hồ, lên đến nơi thì đã hơn 9 giờ 30 sáng.
“Vừa đi chúng tôi phải hỏi thăm đường, lên đến đây chương trình khai mạc đã kết thúc, tiếc quá,” chị Nga tần ngần nói.
Chị Ánh thì lạc quan hơn: “Chúng tôi đã hỏi một số người về chương trình của ngày 10/10 rồi, quan trọng nhất vẫn là việc đấy. Hôm đó, 10 gia đình chúng tôi sẽ bố trí công việc, quyết tâm đưa cả vợ chồng, con cái lên đây tham dự.”
Anh Trần Trung Kiên, một lái xe ở huyện Trường Yên, tỉnh Ninh Bình đến với Đại lễ vì một lý do tình cờ. Hôm nay là ngày chở hàng lên Hà Nội, do cấm đường, không vào được nội thành, anh tranh thủ gửi xe vào Hồ Gươm chơi. Anh Kiên ngạc nhiên trước không khí náo nức ở đây: “Hà Nội đẹp và vui quá! Chắc chắn mấy hôm nữa, tôi phải thu xếp đưa vợ và các con đi đón mừng nghìn năm Thăng Long thôi,” anh Kiên khẳng định.
Người xưa, cảnh cũ… lại về
Giữa dòng người ngược xuôi, phóng viên chúng tôi bất ngờ bắt gặp hình ảnh hai cụ bà ngồi bần thần bên bờ cỏ gần cửa Đền Ngọc Sơn.
Đó là hai chị em gái, cụ bà Nguyễn Thị Hồi và Nguyễn Thị Tiếp, đều ngoài 70 tuổi. Các cụ cho biết, vốn được sinh ra và có tuổi thơ gắn liền với Hà Nội nên đối với các cụ, Thủ đô là những hoài niệm không bao giờ nhạt phai.
“Nhất định chúng tôi phải về Hà Nội, đây là dịp 1.000 năm mới có một lần. Chúng tôi đã bàn bạc tham dự lễ hội từ hơn một tháng nay và dành dụm được một khoản tiền cho chuyến đi này. Để đảm bảo sức khỏe, chúng tôi đã bắt xe buýt từ Hải Dương lên Hà Nội trước hai ngày diễn ra lễ khai mạc, ” cụ Hồi nói.
Cụ Tiếp thì dưng dưng nước mắt kể: “Hồi nhỏ nhà chúng tôi ở ngay gần Đền Bà Kiệu, 59 phố Đinh Tiên Hoàng. Khi đó, còn là những đứa trẻ học cấp I, chúng tôi thường cùng các cô bạn Nhung ở phố Nhà Thờ, Cổ Bích ở Tràng Tiền… trèo lên Tháp Bút học bài và chơi đùa. Giờ ai cũng đều trên 70 tuổi cả rồi, không biết ai còn, ai mất.”
Đối với cụ Hồi, Hà Nội không chỉ là dấu ấn tuổi thơ, mà trong cụ còn lưu giữ một kỷ niệm đặc biệt: “Năm 1954, tôi mới là học sinh lớp 2 tại trường Nguyễn Du. Hồi đó, trẻ con chúng tôi sợ thầy cô giáo lắm, lúc nào cũng răm rắp thực hiện mọi nội quy, kỷ luật. Nhưng hôm đó, đang trong giờ học, thấy có hai ôtô chạy vào sân trường, nhìn ra thấy cụ già trông quen quen, quay lại nhìn lên bảng, tôi ngỡ ngàng reo lên 'Bác Hồ!' Không còn nhớ đang trong giờ học, tất cả chúng tôi ùa ra đón Bác.”
Rồi một lần nữa, sau một vài ngày bà Hồi sinh hạ cô con gái thứ ba, đó là một buổi sáng mùa thu năm 1969, đang ngồi ăn sáng bà nghe tin Bác mất, bát cơm rơi khỏi tay, bà bỏ cơm mấy bữa mặc dù vẫn biết phụ nữ mới sinh cần phải ăn nhiều mới có sữa nuôi con.
Những người dân Việt Nam đang hướng về Thăng Long–Hà Nội như tìm về cội nguồn. Đối với mỗi người, Đại lễ nghìn năm không chỉ là một lễ hội mà còn là dấu ấn, là khoảnh khắc lịch sử kết nối tình yêu, nỗi nhớ, tự hào dân tộc, xâu chuỗi đi từ trong quá khứ đến hiện tại và hướng đến cả tương lai.
“Hà Nội đổi thay quá nhiều, đẹp quá rực rỡ quá! Nhưng đối với tôi, Hà Nội luôn là hình ảnh tuổi thơ, cha mẹ và cả Tháp Rùa, Hồ Gươm,” cụ Tiếp vừa chầm chậm lau giọt nước mắt lăn trên gò má vừa nói./.
Quảng Hạnh (Vietnam+)