Vượt 'bão' COVID-19: Xuất khẩu dệt may giữ vững tăng trưởng

Đến hết quý 1/2022 dệt may tiếp tục nằm trong tốp các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD khi đóng góp 8,84 tỷ USD cho kim ngạch chung của cả nước và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Vượt 'bão' COVID-19: Xuất khẩu dệt may giữ vững tăng trưởng ảnh 1Doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng năng suất lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch COVID-19 nhưng nhờ các giải pháp linh hoạt, ngành Dệt May Việt Nam đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đạt kết quả xuất khẩu cao ngay trong quý đầu năm 2022.

Thích ứng linh hoạt

Dệt may là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhất cả nước, do vậy khi công nhân mắc COVID-19 sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Trần Tường Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hòa Thọ, cho biết tính đến đầu tháng 3/2022, tổng số người lao động bị F0, F1 của toàn đơn vị là 1.719 ca, chiếm 15% tổng lao động.

Do số lượng người lao động phải nghỉ nhiều nên công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc sắp xếp kế hoạch sản xuất. Bên cạnh đó, người lao động sau khi khỏi bệnh đi làm lại thì sức khỏe còn yếu, chưa bắt kịp nhịp độ lao động thường ngày dẫn đến năng suất lao động giảm.

Vì vậy, công ty phải đàm phán với khách hàng để điều chỉnh thời gian giao hàng, sắp xếp lại kế hoạch và ưu tiên lao động để sản xuất các đơn hàng có tiến độ gấp.

“Những người lao động trước đây làm việc gián tiếp đã được tăng cường vào để trực tiếp sản xuất. Ngoài ra, công ty cũng xây dựng phương án, bố trí khu làm riêng, ăn riêng cho các F0 đi làm khi được sự cho phép của chính quyền và ngành y tế,” bà Trần Tường Anh chia sẻ.

Tương tự với Hòa Thọ là May 10. Do có nhà máy trải rộng tại nhiều địa phương nên trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, tỷ lệ lao động bị F0 có sự khác nhau. Có nơi tỷ lệ F0 chỉ khoảng 10-15%, nhưng có nơi tới 40%.

“Với đơn vị có nhiều F0 vẫn phải duy trì sản xuất song được công ty điều chỉnh kế hoạch và điều chuyển lao động ở đơn vị có ít người F0 sang làm việc,” ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc May 10 nhấn mạnh.

Trong khi đó, với Dệt 8-3, để đối phó với tình trạng thiếu lao động do phải cách ly vì COVID-19, doanh nghiệp đã linh hoạt trong việc chuyển đổi ca làm việc cho phù hợp để hỗ trợ các bộ phận, công đoạn có nhiều F0, F1 đảm bảo sản xuất.

Giữ vững nhịp tăng trưởng 

Trong hơn 2 năm vừa qua, nhất là giai đoạn cao điểm dịch COVID-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp ngành dệt may luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu bị đứt gãy, thậm chí nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa.

Tuy nhiên, trong khó khăn cũng chứng kiến sự nỗ lực chia sẻ, hỗ trợ người lao động và củng cố chuỗi hợp tác bền vững khi hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ngưng trệ.

Theo ông Hoàng Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Aligro, hàng dệt may thời trang là theo mùa vụ, hàng Đông được sản xuất từ đầu Hè.

Do đó, Aligro ưu tiên những đơn hàng đã đủ nguyên phụ liệu trước. Bên cạnh đó, đơn vị có quy trình, quy định rõ ràng, vì vậy vẫn đảm bảo ổn định đầu vào và việc làm cho người lao động với thu nhập ổn định.

“Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và chưa biết tới khi nào, Aligro đề cao việc ổn định cả về tinh thần và nguồn lực để kịp thời ứng phó, tránh tổn thất. Lãnh đạo và người lao động phải có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng....” ông Hoàng Văn Linh nói.

Đặc biệt, công tác an sinh, xã hội cũng được chú trọng hơn, qua đó giúp người lao động yên tâm gắn bó với công việc và doanh nghiệp.

Đại diện Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ chia sẻ khi người lao động là F0 được công ty cho nghỉ làm để điều trị theo thời gian quy định của Bộ Y tế, ngoài việc hưởng các chế độ ốm đau theo quy định của bảo hiểm xã hội. Sau khi khỏi bệnh đi làm lại, người lao động được hỗ trợ 300.000 đồng và ăn ca theo chế độ bồi dưỡng riêng trong 2 tuần.

Ngoài ra, Hòa Thọ còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền để người lao động nâng cao ý thức phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp để tăng cường sức khỏe bản thân.

Đối với người lao động phải cách ly, bên cạnh việc duy trì việc đóng Bảo hiểm xã hội thì công ty còn hỗ trợ thêm 50.000 đồng/người/ngày và phát kit test nhanh cho người lao động. Các trường hợp là F1 vẫn đi làm bình thường và được công ty bố trí khu làm việc riêng biệt.

Ngoài ra, để đối phó với tình trạng thiếu lao động do phải cách ly, công ty đã linh hoạt trong việc chuyển đổi ca làm việc cho phù hợp để hỗ trợ các bộ phận, công đoạn có nhiều F0, F1 đảm bảo sản xuất.

- Xuất khẩu Dệt may Việt Nam vào một số thị trường trong tháng 1/2022:

Hiện Việt Nam đã thay đổi chính sách từ Zero COVID sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP.

Đối với ngành dệt may, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng tốt, đến nay hầu hết các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý 3/2022, thậm chí là cả năm 2022.

Điều này cũng thể hiện bằng chính kết quả xuất khẩu của ngành trong những tháng đầu năm 2022 bất chấp dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều thị trường lớn.

Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, trong quý 1/2022, dệt may tiếp tục nằm trong tốp các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD, khi đóng góp 8,84 tỷ USD cho kim ngạch chung của cả nước và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để ngành Dệt may Việt Nam có thể hướng tới mốc 43 tỷ USD như mục tiêu đề ra từ đầu năm, cùng đó là nâng thị phần của Dệt may Việt Nam trên trường quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục