Sau một năm làn sóng dịch thứ tư hoành hành, kinh tế đang dần phục hồi và phát triển, nhịp sống bình thường đã thực sự trở lại khi Hà Nội là địa phương cuối cùng trong cả nước quyết định cho trẻ mầm non trở lại trường vào ngày 13/4 vừa qua.
Một năm ấy không phải là dài trong cuộc đời của mỗi con người, nhưng lại là những tháng ngày đằng đẵng mà mỗi người đã trải qua khó có thể nào quên…
Nỗ lực bảo đảm an sinh
Tháng 4/2021, khi Chính phủ vừa được kiện toàn, cũng là lúc nước ta chuẩn bị bước vào làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư. Khởi phát từ ngày 27/4/2021 với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh, dịch đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi và nhanh chóng tấn công vào cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, các khu vực có mật độ dân cư cao cũng như thành trì của nền kinh tế là các khu công nghiệp, nhà máy, khiến số mắc tăng nhanh.
Đến cuối tháng 5/2021, dịch lây lan ra hơn 30 tỉnh, thành phố và bùng phát mạnh tại 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Ngày 12/6, Việt Nam cán mốc hơn 10.000 ca mắc COVID-19.
Chỉ sau 1 tháng rưỡi, số ca tăng lên hơn 100.000 và gần 2 tháng sau, con số này là hơn 700.000 ca mắc. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, áp dụng các biện pháp chưa từng có tiền lệ, trên phạm vi rộng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến quá nhanh, phức tạp, khó lường, số người tử vong tăng cao, sau nhiều cuộc họp của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, với tinh thần “sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết,” Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội tại đồng loạt 19 tỉnh, thành phố phía Nam - khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước, từ ngày 19/7.
[Nhìn lại 1 năm vượt bão COVID-19 - sức khỏe nhân dân là trên hết]
Đây là một quyết định rất khó khăn, cân não, bởi kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy về kinh tế và an sinh xã hội, nhưng là biện pháp cấp thiết do lượng vaccine chúng ta tiếp cận được chưa nhiều, thực hiện chính sách phong tỏa, “zero COVID” để giảm tốc độ lây lan của dịch, bảo toàn sức khỏe, tính mạng của người dân.
Dịch lan rộng, kinh tế đình trệ, hàng triệu người lao động phải hồi hương trong tình cảnh vô cùng đặc biệt, họ chạy khỏi vùng dịch và chưa biết tương lai sẽ ra sao. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 đạt gần 160 nghìn, giảm 10,7% so với năm 2020; 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8%.
Kết quả tổng hợp của các địa phương cho thấy, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về các địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư. Số người về các tỉnh, thành phố từ Hà Nội là 447.100 người; từ Thành phố Hồ Chí Minh là 524.000 người; từ các tỉnh phía Nam là 594.000 người và từ các tỉnh, thành phố khác là 676.000 người.
Trước bối cảnh trên, hàng loạt chính sách "chưa từng có tiền lệ" đã được ban hành và gấp rút triển khai với nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, để người dân có đủ ăn, đủ mặc.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp hơn 158.000 tấn gạo dự trữ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Chính phủ quyết định tung ra gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng với 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu do tác động của đại dịch COVID-19, tập trung chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, chỉ sau 7 ngày, cơ quan này đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; giải quyết cho 851 đơn vị (với 161.531 lao động) tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất với số tiền trên 1.119 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng xác nhận danh sách cho gần 3,1 triệu lao động tại 71.142 đơn vị để hưởng các chính sách hỗ trợ gồm: hỗ trợ ngừng việc; đào tạo, bồi dưỡng, duy trì việc làm; vay vốn, trả lương ngừng việc; vay vốn phục hồi sản xuất.
Đặc biệt, gói hỗ trợ trên 30.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai nhanh chóng. Đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay.
Chỉ sau 5 ngày có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng (giảm từ 1% xuống 0%) vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền khoảng 7.595 tỷ đồng. Hơn 12,94 triệu lao động được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền khoảng 30,73 nghìn tỷ đồng.
Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, các gói hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đã kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với người lao động và đơn vị sử dụng lao động đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Việc chi trả nhanh, gọn, dứt điểm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đúng lúc người lao động, người sử dụng lao động đang gặp khó khăn đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống người lao động, nhất là những lúc khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Tính chung trong năm 2021, cả nước đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động.
Hồi sinh
Những ngày tháng Tư này, đi trên những con phố tấp nập của Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người không khỏi lâng lâng khi thấy cuộc sống đã thực sự trở lại bình thường. Qua rồi những ngày chăng dây, chắn rào khắp các ngõ phố.
Không còn những chuyến xe cứu thương liên tục hú còi đưa bệnh nhân COVID-19 đi cách ly, cấp cứu, những cảnh đau thương, bất lực trước dịch bệnh. Và qua rồi những mong ước nhỏ nhoi “được” kẹt xe, "được" xếp hàng ăn bát phở hay nhâm nhi ly cà phê nơi phố nhỏ… Thành phố đã hồi sinh, náo nức.
Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã mở đường cho việc thực hiện mục tiêu "kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Nói như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, “Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội… Quyết sách này của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân khi họ phải trải qua quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Về kinh tế, Nghị quyết có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128/NQ-CP chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay.”
Để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội cả giai đoạn 2021-2025, triển khai Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.
Đáng chú ý trong nhóm bảo đảm an sinh xã hội là việc Chính phủ quyết định hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500 nghìn đồng/tháng.
Thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội, tổng nguồn vốn 15.000 tỷ đồng; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, tổng nguồn vốn 3.000 tỷ đồng.
Chính phủ cũng dành 9.000 tỷ đồng để cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…
Chính việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh cùng các chính sách được triển khai kịp thời, quyết liệt đã thúc đẩy kinh tế-xã hội khởi sắc trong quý 1/2022. Tại Phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh tình hình có những diễn biến mới phức tạp, đột xuất, bất ngờ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, kinh tế-xã hội đang hồi phục tích cực, Việt Nam không lỡ nhịp hồi phục trong xu thế chung của thế giới.
Các tổ chức quốc tế đều hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 so với dự báo trước đó, việc kinh tế thế giới phục hồi sẽ khó khăn hơn, nhưng nền kinh tế Việt Nam có tín hiệu phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP trong quý 1 đạt hơn 5%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý 1 dưới 2% mặc dù sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các đối tác, nhà đầu tư quốc tế. An sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; thị trường lao động phục hồi nhanh, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý 1 năm 2022 giảm so với quý trước.
Nổi bật có thể thấy, sau thời gian dài “ngủ đông,” ngành du lịch đã trỗi dậy mạnh mẽ. Chỉ riêng dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, các địa phương đã đón hàng trăm ngàn lượt khách tham quan, lưu trú, điển hình như Quảng Ninh đón khoảng 150.000 lượt khách tới các điểm tham quan nổi tiếng.
Quảng Bình đón khoảng 30 nghìn lượt khách, trong đó Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng đón từ 3.000-7.000 lượt khách/ngày. Ước tính, khoảng 110.000 lượt du khách đến với Đồ Sơn. Con số này của Đà Nẵng là gần 78.000 lượt, Lào Cai gần 80.000 lượt, núi Bà Đen (Tây Ninh) thu hút 50.000 lượt khách…
Nhịp sống hồi sinh trên mọi lĩnh vực cho người dân, doanh nghiệp vững tin vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong quý 2 và cả năm 2022./.