Vượt 9,9 tỷ USD, quy mô xuất siêu của Việt Nam liên tục được mở rộng

Năm 2019 Việt Nam có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, góp phần tích cực vào việc xuất siêu.
Vượt 9,9 tỷ USD, quy mô xuất siêu của Việt Nam liên tục được mở rộng ảnh 1Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được cải thiện theo chiều hướng tích cực, tăng xuất khẩu sản phẩm sản phẩm công nghiệp chế biến. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 4 liên tiếp… là kết quả nổi bật trong bức tranh xuất nhập khẩu năm 2019 của Việt Nam.

Xuất siêu cao nhất từ trước đến nay

Theo đại diện Bộ Công Thương, với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã đạt được con số khoảng 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.

[Bộ Công Thương: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ vượt 500 tỷ USD]

Trong số đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, cao hơn chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra với mức tăng từ 7 - 8%.

“Nếu như năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 400 tỷ USD thì sau 2 năm, Việt Nam đã vượt mốc 500 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng và rất đáng ghi nhận của kinh tế Việt Nam năm 2019,” Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay.

Quan trọng hơn, quy mô xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được mở rộng. Rõ nét nhất là năm 2019 Việt Nam đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cả năm ước đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7%. Như vậy, năm 2019 thặng dư thương mại của Việt Nam đạt khoảng 9,94 tỷ USD, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Nhìn vào bức tranh chung, theo đại diện Bộ Công Thương, nếu như những năm trước đây, Việt Nam phải tăng cường xuất khẩu các sản phẩm đầu vào của ngành công nghiệp như dầu thô, than đá để giảm bớt nhập siêu thì trong suốt 4 năm xuất siêu, nhóm ngành này liên tục có mức tăng trưởng “giảm sâu,” thậm chí là tăng trưởng “âm.”

Thay vào đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu liên tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm sản phẩm công nghiệp chế biến, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục công nghiệp cho biết, năm 2019 ghi nhận lần đầu tiên các sản phẩm ngành chế biến, chế tạo đạt xuất siêu với gần 100 triệu USD.

Dù không lớn nhưng theo đại diện Bộ Công Thương thì đây là tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện giá trị gia tăng trong nước đã được nâng cao, từ đó góp phần cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam.

Hơn nữa, kết quả này cũng cho thấy khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam dần được nâng cao và sự dịch chuyển cơ cấu tích cực, sang các ngành có giá trị cao hơn và lên nấc thang giá trị cao hơn của chuỗi giá trị.

Vượt 9,9 tỷ USD, quy mô xuất siêu của Việt Nam liên tục được mở rộng ảnh 2Hội nghị tổng kết Bộ Công Thương năm 2019. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Phát huy lợi thế của công nghiệp chế biến, chế tạo

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, có được kết quả nổi bật về xuất khẩu có đóng góp quan trọng của công tác đàm phán mở cửa thị trường.

Cụ thể, với 16 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, trong đó 12 hiệp định đang có hiệu lực, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã mở ra nhiều thị trường mới, hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Chính vì vậy, dù thị trường thế giới liên tục biến động và đầy khó khăn song thương mại của Việt Nam năm 2019 đã bứt phá để có được những con số ấn tượng trong xuất khẩu và duy trì xuất siêu ở mức cao.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực như trên, thực tế triển khai cũng bộc lộ một số điểm nghẽn trong phát triển của ngành.

Đơn cử như công tác tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao được sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn chậm hay sự chủ động và năng lực tham gia hội nhập của nhiều doanh nghiệp trong nước ở một số lĩnh vực chưa cao...

- Xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường CPTPP năm 2019:

Vì vậy, để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao cho năm tới, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển của ngành. Đặc biệt lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo vẫn tiếp tục là động lực chính cho phát triển kinh tế.

Để triển khai đạt hiệu quả cao, cùng với nhiều giải pháp và chính sách nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên như cơ khí trọng điểm, ôtô, công nghiệp hỗ trợ… được thực hiện trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đưa ra định hướng phát triển và ban hành các chính sách nhằm duy trì vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, ôtô, điện tử...

Cùng với đó là làm tốt vai trò khai phá thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại mới được ký kết, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng và thị trường trong nước phát triển ổn định, lành mạnh...

Điểm nhấn trong thời gian quan là việc Bộ Công Thương đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia, như UNIDO, IFC/WB, JICA, KIAT, Samsung... về nâng cao năng lực hoạch định chính sách, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp trong nước và kết nối kinh doanh, đào tạo đội ngũ tư vấn viên..., đây cũng là một trong những giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thông tin thêm, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương đang triển khai tích cực Đề án và Kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp và tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt việc chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đồng thời rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, góp phần tăng trưởng chung của ngành trong năm 2020.

- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân:

Một số chỉ tiêu ngành Công Thương phấn đấu năm 2020, theo đó: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 9 - 10% so với năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2019. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 2%.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 11,8 - 12%. - Cân đối về điện: Bảo đảm nhu cầu điện năm 2020 dự kiến tăng khoảng 9,1% so với năm 2019, điện sản xuất và mua năm 2020 khoảng 265,4 tỷ kWh.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục