Vượt 2.000 ca, Bình Dương đổi “chiến thuật” xét nghiệm COVID-19

Bình Dương vừa thông qua phương án quan trọng về lấy mẫu 5 nhóm đối tượng để xét nghiệm, với yêu cầu trả kết quả nhanh nhất có thể, qua đó sớm khoanh vùng, thu hẹp vùng lây nhiễm.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân Bình Dương. (Ảnh: Văn Hướng/TTXVN)

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bình Dương thông tin, ngày 15/7, toàn tỉnh ghi nhận thêm 122 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên địa bàn đã vượt hơn 2.000 ca.

Dịch lây ở chợ và xâm nhập vào nhiều doanh nghiệp

Trong số 122 ca mắc mới có 51 ca phát hiện ở khu cách ly, 38 ca phát hiện tại cơ sở y tế, hai ca phát hiện tại chốt kiểm dịch, 31 ca phát hiện khi xét nghiệm sàng lọc cộng đồng. 

Đáng chú ý, nhiều ca mắc được ghi nhận liên quan đến chợ dân sinh như chợ Dĩ An (16 ca); chợ An Điền (1 ca); chợ Quang Vinh 3, thị xã Tân Uyên (3 ca).

Trong ngày, tỉnh ghi nhận 52 ca lây nhiễm từ Thành  phố Hồ Chí Minh gồm Công ty Freetrend (1 ca), Công ty Alexander (2 ca), Công ty Poucher (1 ca), chợ Bình Điền (11 ca), chợ đầu mối Thủ Đức (29 ca), đi về từ Thành phố Hồ Chí Minh (8 ca). 

[Phó Thủ tướng: Bình Dương phải trả kết quả xét nghiệm trong 24 giờ]

Mặt khác, các ổ dịch đã xảy ra nhiều ngày tại một số công ty trên địa bàn tỉnh vẫn còn "âm ỉ" phát sinh ca nhiễm mới gồm Công ty Premier Global VN (18 ca); Công ty Hansoll Vina (1 ca); Công ty Wanek 2 (1 ca) và  Công ty LIWAYWAY (6 ca). Trong khi đó, qua khai báo y tế có 24 ca, đang được ngành Y tế  điều tra dịch tễ.

Lũy kế tại Bình Dương đã ghi nhận 2.115 ca mắc COVID-19 (gồm: 32 công dân Việt Nam về từ nước ngoài do Quân khu 7 điều tiết, 7 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, 2.015 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 1 ca nhập cảnh trái phép). Toàn tỉnh có 9.669 trường hợp đang cách ly y tế tập trung và 20.739 trường hợp cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú.

Đổi “chiến thuật” lấy mẫu xét nghiệm 

Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương vừa thông qua phương án quan trọng về lấy mẫu 5 nhóm đối tượng để xét nghiệm, với yêu cầu trả kết quả nhanh nhất có thể (chậm nhất là trong vòng 24 giờ phải trả kết quả); qua đó sớm khoanh vùng, thu hẹp vùng lây nhiễm, sớm dập tắt các ổ dịch sau khi phát hiện.

Cụ thể, nhóm 1, lấy mẫu phòng, chống dịch theo quy định chung đối với tất cả người có triệu chứng nghi mắc COVID-19 phát hiện được tại cộng đồng, cơ sở điều trị, hiệu thuốc; bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại cơ sở y tế và theo dõi sau khi ra viện cách ly tại nhà; những người thuộc diện cách ly theo quy định; các lực lượng tham gia chống dịch…

Đối với nhóm này, mục tiêu xét nghiệm nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị COVID-19 một cách nhanh và hiệu quả nhất. Số mẫu xét nghiệm là tất cả các đối tượng thuộc nhóm 1 theo thực tế. Làm xét nghiệm sớm, trả kết quả xét nghiệm chậm nhất 24 giờ kể từ lúc gửi mẫu.

Nhóm 2, lấy mẫu để đáp ứng xử lý ngay ổ dịch đối với người trong cộng đồng thuộc khu vực ổ dịch; trong khu vực đang bị phong tỏa, cách ly y tế. Thực hiện lấy mẫu lần đầu và lấy mẫu định kỳ liên tục 3 ngày/1 lần để làm sạch và dập tắt ổ dịch.

Với nhóm 2, mục tiêu xét nghiệm nhằm phục vụ công tác chống dịch một cách nhanh và hiệu quả nhất. Số mẫu xét nghiệm là tất cả các đối tượng thuộc nhóm 2 theo thực tế diễn biến tình hình dịch. Ưu tiên xét nghiệm nhanh nhất để đảm bảo tốc độ chống dịch, trả kết quả xét nghiệm càng sớm càng tốt.

Nhóm 3, lấy mẫu nhóm nguy cơ cao để đánh giá tình hình dịch trong cộng đồng. Cụ thể, người dân sinh sống tại một số khu nhà trọ, các xóm trọ tập trung nhiều công nhân, người lao động nhập cư, khu vực xung quanh bệnh viện; một số chợ đầu mối, chợ truyền thống; một số siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…

Đối với nhóm này, mục tiêu xét nghiệm nhằm để đánh giá và nhận định tình hình dịch tại cộng đồng. Số mẫu xét nghiệm là theo chỉ tiêu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh giao trên cơ sở đánh giá diễn biến tình hình dịch của các địa phương. Triển khai thực hiện sớm ngay sau khi có chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh (chậm nhất 24 giờ kế từ lúc gửi mẫu).

Nhóm 4, lấy mẫu để đảm bảo an toàn COVID-19 cho sản xuất, kinh doanh. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp chủ động tổ chức việc hướng dẫn cách ly, xét nghiệm trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; kinh phí do doanh nghiệp tự chi trả.

Về nhóm 5, lấy mẫu nhóm đối tượng phát sinh để đáp ứng phòng, chống dịch theo tình hình thực tiễn chống dịch của địa phương. Đối với nhóm này, mục tiêu xét nghiệm nhằm đáp ứng các yêu cầu đột xuất phát sinh trong công tác phòng, chống dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục