Vương quốc Anh cần làm gì để hưởng lợi từ Brexit?

Brexit là "vết thương" Anh tự gây ra. Nhưng nước Anh, ít nhất vào lúc này, phải sống chung với vết thương này. Do đó, Anh phải nắm bắt những lợi thế có thể tìm thấy từ Brexit và khai thác triệt để.
Vương quốc Anh cần làm gì để hưởng lợi từ Brexit? ảnh 1Cảng Dover ở Anh, điểm trung chuyển hàng hóa giữa nước này và EU. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong tháng 1/2021, Vương quốc Anh đã phải đối mặt với hai vấn đề cùng một lúc. Vấn đề thứ nhất là việc rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày đầu tiên của tháng đã tác động đến hoạt động thương mại.

Xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU trong tháng Một giảm 40% so với tháng 12/2020, trong khi nhập khẩu giảm gần 30%. Mặc dù đại dịch làm gián đoạn thương mại, nhưng phần lớn sự sụt giảm này là do hậu quả của Brexit.

Cú đánh thứ hai đến từ sự bùng nổ của số ca nhiễm COVID-19. Anh, quốc gia ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các nền kinh tế lớn, đã chứng kiến số người thiệt mạng vì COVID-19 đạt mức 1.361 người vào ngày 19/1.

Theo tạp chí The Economist, cách nước Anh giải quyết vấn đề thứ hai là bài học cho cách giải quyết vấn đề thứ nhất. Tốc độ mà cơ quan quản lý y tế của Anh phê duyệt vaccine COVID-19 đã cho phép triển khai việc tiêm chủng nhanh hơn bất kỳ quốc gia lớn nào khác.

Điều này đã giúp số người thiệt mạng do virus SARS-CoV-2 giảm xuống còn khoảng 200 ca mỗi ngày. Bài học ở đây là nếu Anh muốn thu được bất kỳ lợi ích nào từ việc rời EU, việc điều chỉnh nhanh nhạy là một trong những cách làm như vậy.

[EU chỉ trích Anh cản trở việc xây dựng lòng tin hậu Brexit]

Trong khi đó với sự kiện Brexit, chỉ việc Anh rời EU, kinh tế của Anh đã trải qua cú sốc lớn nữa trong vòng một thế kỷ qua, nhưng cú sốc do Brexit gây ra khác với những cú sốc sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và những năm 1980.

Vào những giai đoạn đó, chính phủ của hai nhà lãnh đạo Clement Attlee và Margaret Thatcher đã có những ý tưởng rõ ràng về phương hướng mà họ sẽ lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson thì không có điều này.

Những người ủng hộ Brexit nói về mô hình kinh tế của Anh, khác biệt với mô hình dân chủ-xã hội của châu Âu, nhưng không chỉ rõ cụ thể mô hình đó là như thế nào. Bài phát biểu về ngân sách của Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak ngày 3/3 bao gồm một tài liệu tham khảo duy nhất về Brexit, trong khi bản "kế hoạch tăng trưởng" dài 111 trang được công bố cùng với bản ngân sách này chỉ đưa ra một vài trang vô vị về sự kiện này ở cuối.

Điều này khiến các nhà quan sát nhận định rằng thay vì phải đưa ra một kế hoạch, hình như Chính phủ Anh đang cố gắng gây chiến với Ủy ban châu Âu.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho động thái này, song có một điều không thể phủ nhận đó là mức độ Anh có thể rời xa khỏi EU sẽ bị hạn chế, bởi thỏa thuận thương mại hai bên đạt được vào đêm Giáng Sinh cam kết London sẽ bám sát các tiêu chuẩn của châu Âu.

Nếu không làm như thế, nước Anh có thể bị trừng phạt bằng các hạn chế thương mại. Mặc dù vậy, có vẻ như hầu hết các doanh nghiệp đều cảm thấy thoải mái với các tiêu chuẩn của EU.

Để bán hàng vào EU, họ cần phải tuân thủ các quy tắc của khối này và việc tuân thủ theo một bộ quy định sẽ đỡ tốn kém hơn là tuân thủ theo hai bộ quy định.

Trong khi đó, vị thế nửa trong nửa ngoài của Bắc Ireland làm gia tăng tổn thất của việc phân kỳ với EU vì khoảng cách giữa Anh và EU càng lớn sẽ càng làm cho đường biên giới trên Biển Ireland trở nên cứng hơn và khiến những người theo chủ nghĩa hợp nhất muốn Bắc Ireland nằm trong Vương quốc Anh tức giận.

Và các cử tri Anh không mấy hứng thú với nền kinh tế siêu tự do mà một số người theo chủ trương Brexit ủng hộ. Người Anh muốn thực phẩm an toàn và các ông chủ sử dụng lao động phải đối xử tốt với người lao động.

Do đó, trên gần như mọi phương diện, Anh nên hướng tới việc ở gần châu Âu, mặc dù vẫn có phạm vi để nước này phân kỳ theo cả cách gây hại và có lợi. Chẳng hạn, Anh có thể từ bỏ cơ chế hạn chế trợ cấp nhà nước của EU, thực tế thì Chính phủ Anh đang tham khảo ý kiến về việc thực hiện điều này.

Mặc dù vậy, người Anh cũng nên cảnh giác với kế hoạch này. London có khả năng cải thiện các quy định của EU, vốn là một công việc khó khăn, nhưng các cử tri phải xem việc xé bỏ những hạn chế về trợ cấp nhà nước là rủi ro chứ không phải là lợi ích của Brexit, bởi cung cấp tiền cho các công ty tư nhân không phải là thói quen người dân đóng thuế muốn nhìn thấy ở chính phủ của mình.

Ở một góc độ khác, sự phân kỳ có thể có lợi cho nước Anh. Quá trình điều chỉnh đối với một quốc gia có thể nhanh hơn so đối với 27 quốc gia và, như các cơ quan quản lý y tế tại Anh đã thể hiện trong trường hợp phân phối vaccine COVID-19, có nhiều điều để nói về việc đẩy nhanh quá trình này.

Bản chất của các quy định cũng có thể khác nhau. Khi Anh có tầm quan trọng - như trong lĩnh vực tài chính - và có các công ty sáng tạo, chẳng hạn như về công nghệ tài chính, khoa học đời sống và trí tuệ nhân tạo, quốc gia này có thể giúp thiết lập tiêu chuẩn cho các chế độ quản lý tự do và nhanh nhạy, thay vì tuân theo bất kỳ quy tắc nào Brussels đưa ra.

Ngoài ra, London có thể nâng cao sự cạnh tranh. Điều này là cần thiết, vì Brexit sẽ làm giảm áp lực cạnh tranh và do đó làm giảm năng suất. Cơ quan quản lý Cạnh tranh và Thị trường của Anh đã đưa ra một số đề xuất khôn ngoan về việc mở cửa một số lĩnh vực cho những đối thủ mới, chẳng hạn như xem xét lại các quy định cũ của EU nhằm bảo vệ các hãng hàng không khỏi bị cạnh tranh. Sự hỗn loạn trong kinh doanh du lịch hiện nay khiến đây là thời điểm rất tốt để làm điều đó.

Brexit là "vết thương" Anh tự gây ra. Nhưng nước Anh, ít nhất vào lúc này, phải sống chung với vết thương này. Do đó, Anh phải nắm bắt những lợi thế có thể tìm thấy từ Brexit và khai thác chúng một cách triệt để./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục